Là một tỉnh dân số đông, thị trường tiêu thụ rộng lớn, tỉnh Thanh Hóa thường xuyên phải nhập một sản lượng hàng hóa lớn từ tỉnh ngoài. Mặc dù, công tác quản lý về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Thống kê từ Sở Công Thương Thanh Hóa, hàng năm, có khoảng 80.000 tấn thực phẩm được cung ứng từ tỉnh ngoài vào trong tỉnh, chiếm 9,4% tổng sản lượng thực phẩm tiêu dùng của tỉnh. Sản phẩm từ tỉnh ngoài chủ yếu được phân phối ban đầu thông qua Chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương và hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất, chế biến và lưu thông. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 70 cơ sở kinh doanh thực phẩm theo hình thức đại lý có sản phẩm từ tỉnh ngoài.
Cũng theo kết quả giám sát của Sở Công Thương Thanh Hóa, hiện chỉ có khoảng 75% thực phẩm từ tỉnh ngoài cung ứng vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó, mặt hàng gạo mới kiểm soát được 83,2%; rau, củ, quả 74,2%; thịt gia súc, gia cầm 66,3%; thủy sản 60,5%; thực phẩm bao gói, đóng chai 71,2%...
Để tăng cường công tác quản lý thực phẩm được cung ứng ngoài tỉnh, thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 04/NQ-TU về ATTP của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 64/KH-UBND ngày 19-3-2019 (Kế hoạch 64) và Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 20-12-2019 (Chỉ thị 18). Theo đó, mục tiêu đặt ra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về kiểm soát chất lượng, ATTP đối với sản phẩm được cung ứng từ ngoài tỉnh. Mục tiêu cụ thể, đến hết năm 2020, 95% trở lên các loại thực phẩm từ tỉnh ngoài đưa vào trong tỉnh được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lưu thông, bảo quản, kinh doanh, chế biến, sử dụng và cơ bản đáp ứng quy định về ATTP.
Thực hiện Kế hoạch 64, Sở Công Thương Thanh Hóa được giao nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp quản lý chợ xây dựng các nội quy, quy định về hình thức xử lý đối với vi phạm trong kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc. Riêng trong năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 129 chợ hoàn thành công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm. Tỉnh Thanh Hóa hiện đang đi đầu cả nước trong việc nhân rộng các mô hình thí điểm chợ bảo đảm vệ sinh ATTP của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công Thương, công tác quản lý Nhà nước theo nhiệm vụ còn khó khăn do thiếu về trang thiết bị kiểm nghiệm, thực thi nhiệm vụ.
Hiện nay, thực phẩm được cung ứng từ ngoài tỉnh qua Chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương đang chiếm tỷ lệ lớn. Theo thống kê của ban quản lý chợ, với quy mô 25.000m2, chợ có hơn 500 quầy hàng cố định, từ 250-300 quầy hàng vãng lai. Sản lượng hàng hóa cung ứng qua chợ đạt từ 650-800 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ thực phẩm cung ứng từ tỉnh ngoài chiếm khoảng 40%, chủ yếu là mặt hàng rau xanh và các loại quả. Từ năm 2019, khi được lựa chọn xây dựng mô hình chợ ATTP cấp tỉnh, cùng với công tác nâng cấp, tu bổ cơ sở vật chất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mở các lớp tập huấn cho tiểu thương tại chợ, thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP giữa các hộ với ban quản lý. Bên cạnh đó, hỗ trợ ban quản lý chợ thành lập tổ giám sát ATTP, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ, hướng dẫn ghi chép sổ sách nhật ký giám sát khối lượng hàng hóa lưu thông qua chợ.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Thanh Hóa - đơn vị được giao trực tiếp nhiệm vụ kiểm soát thực phẩm tại chợ đầu mối đã xây dựng kế hoạch giám sát định kỳ. Hàng năm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Thanh Hóa đã thực hiện lấy mẫu các nông, lâm, thủy sản từ tỉnh ngoài vào tiêu thụ tại chợ để phân tích các chỉ tiêu an toàn, kịp thời ngăn chặn thực phẩm, phụ gia có nguy cơ mất an toàn lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, khối lượng hàng hóa lưu thông qua chợ lớn, thường xuyên, trong khi nguồn kinh phí Nhà nước phân bổ chỉ thực hiện khảo sát theo xác suất một số mặt hàng đại diện ở một số thời điểm nhất định, do đó, tính đại diện chưa cao. Hơn nữa, theo quy định, chợ đầu mối phải có tổ giám sát ATTP hoạt động thường xuyên, tuy nhiên chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ thực hiện 1 năm. Việc duy trì tổ giám sát hoạt động hiệu quả hay không phụ thuộc vào ý thức của doanh nghiệp quản lý chợ.