Chợ truyền thống - Cần thay đổi để tồn tại và phát triển

Thứ tư - 20/04/2022 21:54
Chợ truyền thống từ xưa đến nay được coi là địa điểm mua bán ưa thích của người dân gắn với nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, ấn tượng của mỗi vùng miền, địa phương. Tuy nhiên, khi nhịp sống xã hội ngày càng phát triển, những hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa ngày càng thuận tiện hơn với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị…, thì thị phần chợ đang dần mất đi những giá trị vốn có. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý cần phải có những quy hoạch chiến lược để chợ truyền thống có thể thay đổi, phát triển và tìm lại được “chỗ đứng” của mình.
Chợ truyền thống - Cần thay đổi để tồn tại và phát triển
Chợ truyền thống - Cần thay đổi để tồn tại và phát triển


 

 

Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 133 chợ, gồm: 22 chợ hạng I, 23 chợ hạng II, 88 chợ hạng III. Hằng năm, công tác quản lý, hoạt động khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh cơ bản đi vào ổn định.

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, qua khảo sát của cơ quan chức năng tỉnh cho thấy, tại một số chợ, hoạt động khai thác, kinh doanh vẫn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định, như: Công tác đầu tư, di chuyển chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ; vệ sinh môi trường; việc chuyển đổi công năng đối với một số chợ hoạt động không hiệu quả; công tác xử lý, dẹp bỏ đối với các chợ tạm, chợ tự phát còn hạn chế; việc xử lý đối với các hộ kinh doanh sinh sống trong phạm vi chợ hay xây dựng văn minh thương mại chưa được quyết liệt; chưa phát huy được tính chủ động của địa phương trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ...

Cùng với đó, hiện nay so với sự phát triển đi lên của các loại hình kinh doanh bán hàng online, cửa hàng tiện ích hay siêu thị, trung tâm thương mại… cũng có tác động không nhỏ tới hoạt động của chợ truyền thống, khiến cho thị phần chợ ngày càng mất đi sự tồn tại vốn có. Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện nay, toàn tỉnh có 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 88 cửa hàng tiện ích, 26 trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP.

Ông Lê Văn Tình, Phó Phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Hiện trên địa bàn thị xã có 18 chợ đang hoạt động, trong đó có 2 chợ loại I, 2 chợ loại II, 15 chợ loại III. Hằng năm, các ban quản lý chợ đều đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo công tác quản lý tại chợ. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động tại chợ trên địa bàn vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Đặc biệt, ngoài một số chợ đã được chuyển đổi sang doanh nghiệp đầu tư, quản lý thì phần lớn các chợ trên địa bàn là chợ nông thôn, cơ sở hạ tầng xuống cấp, cần được cải tạo. Việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn do vốn ban đầu lớn, việc thu hồi vốn chậm, các chợ chủ yếu ở khu vực xa trung tâm, dân cư thưa. Cùng với đó, kinh phí duy trì cho ban quản lý chợ cũng còn eo hẹp và nhiều hình thức kinh doanh bán lẻ mới đã phát triển mạnh mẽ cũng phần nào làm ảnh hưởng tới sự phát triển, kinh doanh tại các chợ truyền thống.

Chợ vẫn luôn là địa điểm giải quyết việc làm, thu nhập cho tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ. Hiện tổng số điểm kinh doanh tại các chợ là 26.240 điểm. Những tiểu thương bán hàng tại chợ không chỉ là người mưu sinh, mà còn là những người truyền bá văn hóa, nét đẹp truyền thống và lưu giữ những hoạt động buôn bán giao thương tại chợ.

Cô Nguyễn Thị Dung, tiểu thương buôn bán hải sản tại chợ Hạ Long I (TP Hạ Long), chia sẻ: Tôi đã buôn bán, kinh doanh mặt hàng hải sản ở chợ được gần 30 năm. Ít nhiều tôi cũng đã chứng kiến được những thay đổi của chợ từ xa xưa cho tới nay. Trước đây, hoạt động mua bán tại chợ luôn tấp nập, nhộn nhịp, người dân đi chợ nhiều. Nhưng bây giờ khách hàng mua hải sản đa số lại là khách du lịch, nên chúng tôi cũng phải tự chủ động thay đổi phong cách buôn bán theo hướng văn minh, lịch sự hơn. Trước sự phát triển của xã hội với nhiều loại hình buôn bán hiện đại thì những giá trị của chợ truyền thống vẫn cần được lưu giữ, bởi chợ là nơi giao thương từ xưa với những nét đẹp mua bán từ lâu đời không thể bị mai một. Hy vọng, thời gian tới, các ngành chức năng sẽ có những chính sách, hướng phát triển hợp lý để đưa chợ truyền thống ngày càng phát triển theo hướng hiện đại.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh số lượng chợ truyền thống đã giảm nhiều so với giai đoạn 10 năm về trước. Năm 2010, trên địa bàn tỉnh có trên 200 chợ, chủ yếu được quản lý theo hình thức ban quản lý và xã, phường quản lý. Theo thời gian, một số chợ đã được nâng cấp, chuyển đổi mô hình, tuy nhiên mới chỉ cơ bản ở khu vực thành thị. Trong khi đó, chợ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì vẫn còn hết sức nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa có những quy hoạch cụ thể để có thể phát triển theo hướng chiều sâu với việc lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống lâu đời của nó.


 

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã rất thành công trong việc “tạo hình” chợ truyền thống để thực sự đáp ứng được sự phát triển của xã hội. Đơn cử như tại Hàn Quốc, các chợ truyền thống được phát triển hết sức mạnh mẽ không chỉ ở ngoài đời thực, mà còn trên cả màn ảnh nhỏ qua những bộ phim nổi tiếng. Hình ảnh những khu chợ được quy hoạch gọn gàng, sạch đẹp với rất nhiều sản phẩm hấp dẫn, cửa hàng truyền thống xen lẫn hiện đại, dịch vụ đi kèm thuận tiện đã thu hút người dân, du khách khi tới tham quan, mua sắm. Mỗi khu chợ ở Hàn Quốc đều vô cùng nhộn nhịp và lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống lâu đời, vốn có. Khi tới Hàn Quốc, du khách sẽ không thể không ghé qua những khu chợ này, như: Dongdaemun, Namdaemun, Gwangjang, Tongin, Sinpo…

Trên thực tế thì chợ truyền thống hoàn toàn có thể thay đổi được để tồn tại, phát triển mạnh mẽ với sự đầu tư về hạ tầng và tầm nhìn mang tính chiến lược lâu dài nhằm thu hút người dân, nhất là thị phần khách du lịch đến tham quan, mua sắm, ăn uống... Đặc biệt, Quảng Ninh thu hút cả chục triệu du khách mỗi năm thì đây là lợi thế, tiềm năng vô cùng lớn, “chìa khóa” để mở ra cơ hội thay đổi, phát huy lại những nét văn hóa đặc sắc của chợ truyền thống trong xu thế hội nhập.

Vì vậy, để tạo dựng được vị trí, các chợ truyền thống cũng phải tạo cho mình những cơ chế riêng về giá cả, thị trường cạnh tranh, chất lượng an toàn thực phẩm. Đồng thời, cũng phải phát huy được những thế mạnh của chợ với các mặt hàng buôn bán đồ tươi sống song song với đảm bảo các hạ tầng cấp thoát nước, vệ sinh môi trường.

Một trong những hình thức đang được triển khai hiệu quả để phát triển chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh là UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện triển khai công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Đã có 40 chợ được đầu tư xây dựng, chuyển đổi hình thức quản lý theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã đi vào hoạt động tại các địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Hải Hà, Cẩm Phả, Tiên Yên, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Giang cho biết: Thực tế hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, thời gian tới, để hoạt động chợ truyền thống đạt hiệu quả, phát triển song hành với các loại hình buôn bán khác, Sở sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện việc đổi mới quản lý theo mô hình “đầu tư công, quản trị tư”. Đồng thời, Sở cũng tập trung kêu gọi đầu tư, cải tạo hệ thống chợ vùng nông thôn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân, du khách khi đến du lịch tại địa phương.

Cùng với đó, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động các tiểu thương buôn bán đổi mới tư duy, phương thức kinh doanh; tạo dựng lòng tin với khách hàng bằng việc bán những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng giá niêm yết, đẹp mắt, tiện lợi, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những nhu cầu, thói quen mua bán hàng hóa đã có từ xưa của người tiêu dùng và hướng tới đáp ứng xu thế phát triển hiện đại.

Để đảm bảo điều kiện kinh doanh mua bán tại chợ trên địa bàn, Sở cũng sẽ thực hiện đề xuất với UBND tỉnh cho phép bố trí ngân sách đầu tư xây dựng các chợ dân sinh (chợ hạng III) vì rất khó thu hút đầu tư nguồn vốn xã hội hóa. Đồng thời, xem xét bổ sung một số cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các đơn vị đầu tư xây dựng chợ, đặc biệt là đối với các chợ tại vùng nông thôn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân, du khách nhưng vẫn giữ được những giá trị vốn có của chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. 

z3352617367862 ebaff0108ca8c269e5dadee915baf878

Với xứ mệnh khôi phục, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động chợ truyền thống, kiến tạo các mô hình chợ kiểu mới an toàn, hiện đại, văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc, Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam tự hào là đơn vị đầu tư xây dựng chợ truyền thống để đẩy mạnh kinh tế xã hội và góp phần cải thiện cuộc sống của các hộ tiểu thương.
Liên hiệp Hợp tác xã hoạt động đa ngành, đa nghề ở trong nước và ngoài nước, phát triển bền vững lâu dài, duy trì và phát triển thương hiệu có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đến năm 2025 là đơn vị hàng đầu trong việc xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động chợ truyền thống trên cả nước, luôn đổi mới, sáng tạo, kiến tạo hệ sinh thái, làm nền tảng cho sự phát triển của tiểu thương, người tiêu dùng Việt Nam, hướng tới sự thịnh vượng của các địa phương và đất nước.
 

Nguồn tin: Liên Hiệp Hợp Tác Xã Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây