Chợ nổi sinh ra từ tập quán sinh sống với những sản vật phong phú của người dân miệt vườn gần sông nước

Thứ sáu - 06/05/2022 02:36
Nhắc đến vùng đất Tây Ðô, không thể không nhắc tới chợ nổi Cái Răng. Tên Cái Răng đã có từ lâu mà chưa được giải thích cặn kẽ ngọn nguồn. Có giai thoại rằng hồi vùng đất này còn đang được khẩn hoang, có con cá sấu rất lớn dạt vào đây. Răng của nó cắm vào miếng đất mom sông nên thành tên gọi Cái Răng
ngay xuan tham cho noi cai rang anh 1 JGXK


Nhắc đến vùng đất Tây Ðô, không thể không nhắc tới chợ nổi Cái Răng. Tên Cái Răng đã có từ lâu mà chưa được giải thích cặn kẽ ngọn nguồn. Có giai thoại rằng hồi vùng đất này còn đang được khẩn hoang, có con cá sấu rất lớn dạt vào đây. Răng của nó cắm vào miếng đất mom sông nên thành tên gọi Cái Răng. Trong cuốn "Tự vị tiếng nói miền Nam" cụ Vương Hồng Sển lại cho biết: Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer "karan" nghĩa là "cà ràng" (cái bếp lò nặn bằng đất, ông táo). Người Khmer làm rất nhiều karan đi bán khắp nơi. Lâu dần, mọi người phát âm karan thành Cái Răng. Ðến nay, cùng với chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng lâu nay được du khách trong và ngoài nước biết đến là một trong hai chợ trên sông nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ.

Chợ nổi sinh ra từ tập quán sinh sống với những sản vật phong phú của người dân miệt vườn gần sông nước, nhiều kinh rạch. Có nhiều cách để giao thương hàng hóa nhưng ở miền sông nước châu thổ Mê Công người dân thường đi ghe, thuyền buôn bán với nhau trên mặt sông. Từ đó hình thành nên chợ nổi. Chợ nổi thường họp ở các ngã ba sông. Ðó là nơi sông không quá rộng và quá sâu, thuận tiện cho việc neo đậu thuyền.

Chợ nổi Cái Răng họp từ lúc mới rạng đông đến gần trưa, nhưng đông nhất khoảng 8 - 9 giờ sáng. Hàng trăm ghe xuồng, nhộn nhịp đến chợ, chen chúc kín cả đoạn sông dài tới nửa cây số. Mọi người đi chợ bằng thuyền, mua bán, trao đổi sản phẩm, thực phẩm và nhiều hàng hóa thiết yếu khác ở trên sông. Ðây là chợ đầu mối, những ghe thuyền, cả bán buôn và bán lẻ, đến chợ nổi Cái Răng mua bán rồi lại tỏa về các chợ ở những miền quê khác xa hơn. Không chỉ là phương tiện chở hàng mua bán, những chiếc ghe, thuyền còn là nơi cư ngụ của các gia đình thương lái ở trên đó. Mọi sinh hoạt đời sống đều diễn ra trên thuyền.
 

cho noi cai be tien giang vntrip8 1

Hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng chủ yếu là trái cây miệt vườn, các loại rau. Chợ nổi không có tiếng rao hàng, chỉ có tiếng nước vỗ và tiếng máy ghe. Ai bán loại trái cây gì thì cắm một cái sào trên mũi thuyền và treo sản phẩm mình muốn bán lên cái sào đó để mời gọi bạn hàng - còn gọi là "treo bẹo" hay "bẹo hàng". Người mua cứ nhìn cây "bẹo" đó, từ xa cũng biết để cặp thuyền đến thỏa thuận bán mua mà chẳng cần phải hỏi thêm.

Len lách giữa san sát ghe bầu lớn đến cất hàng buôn là cả một đội ngũ đông đảo xuồng nhỏ phục vụ cho những nhu cầu của thuyền lớn: bán thực phẩm, quà bánh, đồ ăn, cà-phê, giải khát, thuốc chữa bệnh, sửa chữa các loại dụng cụ... Cả vé số, thẻ điện thoại cũng được các thuyền nhỏ cặp mạn bán dạo... Những chiếc xuồng nhỏ bán lẻ trái cây cho du khách cũng hoạt động hết công suất, chạy đi chạy lại như con thoi... Những bàn tay trẻ bé nhỏ đưa nải chuối vàng rực, như chuyển một chùm nắng sang thuyền bên kia, kèm theo những câu mời chào bằng tiếng Anh còn ngọng nghịu khiến nhiều du khách ngỡ ngàng về sự thân thiện vẫn còn đôi chút hoang sơ.

  Chợ nổi Cái Răng chỉ cách TP Cần Thơ vài cây số nên khá thuận tiện cho du khách đến thưởng thức nét văn hóa miền sông nước Hậu Giang. Ðây đã là điểm đến của nhiều tour du lịch về miệt vườn sông nước miền Tây. Nhiều người nói rằng, đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết nhiều về đất Tây Ðô.

Nguồn tin: Báo nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây