Hàng tiêu dùng thiết yếu rục rịch tăng giá
Khảo sát tại một số chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM cho thấy hiện một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như dầu ăn, bột tẩm chiên, đường cát… tăng giá khá cao so với cách nay vài tuần.
Bà Hiền, tiểu thương ở chợ Hoàng Hoa Thám, cho biết từ sau tết đến nay dầu ăn của các hãng đều tăng trung bình 1.000-2.000 đồng/chai. Chẳng hạn dầu Tường An trước đây lấy sỉ 29.500 đồng/chai nay tăng lên 31.500 đồng/chai. Do giá mua sỉ tăng nên kéo giá bán lẻ cũng tăng lên 33.000 đồng/chai.
Giá một số mặt hàng khác như phô mai từ 26.000 tăng lên 29.000 đồng/hộp. Riêng mặt hàng đường cát tăng giá mạnh, từ mức 15.000 lên 19.000 đồng. “Giá sỉ lấy từ các nhà cung cấp, doanh nghiệp tăng mạnh nhưng tôi chỉ dám tăng nhẹ vì sợ mất khách hàng. Chúng tôi chấp nhận lời ít hơn” - bà Hiền nói.
Tương tự, bà Lệ, tiểu thương bán hàng chạp phô tại chợ Hoàng Hoa Thám, cho biết dầu ăn “xá” tăng giá bán sỉ vô chừng, có khi mỗi tuần lên một lần và cứ nhích dần từ mức 95.000 lên 135.000 đồng/can 45 lít. Vì vậy, giá bán lẻ trước đây khoảng 27.000 đồng/lít giờ tăng lên 30.000 đồng/lít. “Các sản phẩm từ bột cũng tăng. Thậm chí, một công ty sản xuất nui thông báo sẽ tăng 40%-50% nên tôi chưa dám nhập hàng vì lo lấy vào không bán được” - bà Lệ lo lắng.
Một số siêu thị cũng thông tin mới đây đã nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp hàng trong nước cũng như các nhà cung cấp hàng nhập khẩu. Trong đó, nhiều sản phẩm thịt thăn lưng, đùi gà, phô mai khô… nhập từ Mỹ và châu Âu được nhà cung cấp đề nghị tăng 6%-32% so với đơn đặt hàng hồi tháng 1-2021.
“Trước việc đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp, chúng tôi đang đàm phán để làm sao đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa nhà sản xuất, nhà phân phối bán lẻ cũng như người tiêu dùng” - đại diện một siêu thị cho hay.
Nhiều lý do đẩy giá hàng hóa leo thang
Giải thích lý do tăng giá nhiều mặt hàng, đại diện một số nhà cung cấp cho hay: Do nhu cầu tiêu thụ tại nhiều quốc gia tăng cao, trong khi lượng hàng xuất khẩu ít hơn và một số nhà sản xuất đóng cửa do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, do khan hiếm container, vận tải biển qua kênh đào Suez gặp sự cố khiến chi phí vận chuyển tăng liên tục cũng ảnh hưởng đến giá bán cuối cùng. Đặc biệt, do dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại, nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng gây chậm trễ trong việc vận chuyển và nhận hàng.
Tất cả yếu tố trên khiến hàng hóa trên khắp thế giới bao gồm Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với trước đây. Điều này cũng đồng nghĩa người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao hơn, tạo thêm áp lực gia tăng lạm phát.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sài Gòn (APT), dẫn chứng: Các công ty ngành chế biến thủy hải sản đang đối diện khó khăn do nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm và tăng giá cao. Chẳng hạn, với mặt hàng cá bạc má, khách hàng một số thị trường như Anh, Nhật, Hàn Quốc… đặt 10 tấn nhưng không có để mua. Chưa kể từ tháng 11-2020 đến nay các đơn vị cung cấp cám ba lần tăng giá, cộng thêm các chi phí khác tăng 15% đã đẩy giá thành nuôi cá tăng lên. Trong khi đó đối với ngành chế biến thực phẩm, mức lợi nhuận chỉ đạt 5%-7%.
Tương tự, đại diện Công ty Sài Gòn Food thông tin hiện nay nguyên liệu từ nội địa như gạo, thủy sản… tăng giá 5%-20% do mất mùa và giảm sản lượng. Đối với nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng cao, như gia vị tăng 5%-10%. Chưa kể nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng 15%-70%.
“Trước tình hình này, dự báo giá hàng hóa sẽ tăng 5%-15% trong quý I và quý II năm nay, tùy ngành hàng” - đại diện SaigonFood nhận định.
Muốn không tăng cũng khó
Đại diện nhiều nhà bán lẻ, nhà sản xuất đang tìm cách ứng phó trước tình trạng giá tăng cao. Đại diện Công ty Meizan giải thích nguyên liệu đầu vào của nui, mì, bột… đã tăng 20%, chưa kể các chi phí nhưng công ty vẫn đang cố gắng gồng chứ chưa dám tăng giá hàng hóa đến tay người dùng. “Nếu đến tháng 5 giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục biến động thì chắc chắn công ty sẽ phải điều chỉnh giá” - vị này nói.
Tương tự, theo đại diện Acecook, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên giá một số nguyên liệu chính của mì ăn liền bắt đầu tăng từ quý IV-2020 và tình hình này tiếp diễn trong năm nay. Vì vậy, chi phí thành phẩm tăng lên là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, công ty đang nỗ lực giảm chi phí không cần thiết, giảm thiểu hao phí phát sinh, tự động hóa sản xuất… trước khi nghĩ đến phương án tăng giá hàng hóa.
Tổng giám đốc Công ty APT Trương Tiến Dũng cũng cho biết dù chi phí đầu vào tăng cao nhưng công ty vẫn chưa dám tăng giá sản phẩm. Thay vào đó công ty cắt giảm chi phí, tái cấu trúc bộ máy, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số... “Chúng tôi nỗ lực chắt chiu từng cơ hội để tiết kiệm chi phí nhiều nhất nhằm giảm giá thành, giảm thiệt hại”
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023