Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như kết nối cung cầu. Sự phát triển này phù hợp với xu hướng chung của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa mạnh mẽ. Tuy nhiên, để xây dựng thị trường thương mại điện tử (TMĐT) lành mạnh, có tính cạnh tranh cao, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) kinh doanh hiệu quả, bên cạnh việc hoạch định các mục tiêu phát triển theo lộ trình, công tác quản lý Nhà nước, thực thi pháp luật về TMĐT là vô cùng quan trọng.
Hiện nay, hạ tầng viễn thông của Thanh Hóa bảo đảm triển khai tốt các ứng dụng về thông tin điện tử. Đến nay, các tiêu chuẩn trao đổi, thu thập dữ liệu được ứng dụng trong hầu hết các giao dịch TMĐT. Đã có 70% DN trên địa bàn sử dụng thư điện tử trong giao dịch và trao đổi thông tin; 50% DN có website riêng, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 35% DN tham gia website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; 10% DN ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý và kinh doanh.
Các hình thức thanh toán điện tử cũng được các DN triển khai ứng dụng và cập nhật phổ biến như: Thanh toán thẻ ngân hàng qua POS, ATE; thanh toán trực tuyến thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động. Phát triển TMĐT đã mang lại lợi ích không nhỏ cho DN thông qua kênh phân phối trên sàn TMĐT.
Để nâng cao nhận thức, đưa TMĐT vào cuộc sống, ngành công thương đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT; xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình, sản phẩm dịch vụ của DN, giúp DN tự triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình tiên tiến; cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá marketing hiệu quả trên website. Tạo điều kiện cho DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT nhằm trao đổi, quảng bá thương hiệu và sản phẩm của DN; hỗ trợ DN ứng dụng marketing trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường internet phù hợp với các DN Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
Nhằm nâng cao năng lực phát triển TMĐT, triển khai thực hiện tốt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, có 50% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 100% DN có website được cập nhật đầy đủ thông tin về giới thiệu, quảng bá sản phẩm của DN; ứng dụng 100% thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3 trở lên; 100% các đơn vị cung ứng dịch vụ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 70% các giao dịch mua hàng trên website TMĐT của DN có hóa đơn điện tử; 80% website TMĐT của DN có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40% DN tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động...
Để hoàn thiện được các mục tiêu này, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực hoàn thiện các cơ chế, chính sách đề xuất bổ sung, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vận hành nền tảng công nghệ phát triển mô hình, giải pháp và dịch vụ TMĐT dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến. Triển khai các giải pháp toàn diện nhằm tăng tỷ lệ thanh toán điện tử, thanh toán trên nền tảng di động; đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động TMĐT thông qua các hoạt động điều tra, thống kê, khảo sát về TMĐT...
UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng TMĐT cho cộng đồng. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN phát triển, ứng dụng công nghệ mới trong TMĐT. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết TMĐT được xem là một công cụ quan trọng giúp các DN trong tỉnh tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa, cạnh tranh gay gắt như hiện nay. TMĐT phát triển, sẽ tạo điều kiện cho DN mở rộng môi trường kinh doanh không giới hạn. Đồng thời, có thể tìm hiểu các thông tin cần thiết trước khi thực hiện giao dịch với đối tác. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới; định hình một môi trường kinh doanh tuân thủ pháp luật, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các DN.
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023