Hiện cả nước có 21 tỉnh ven biển sản xuất muối, nhưng diện tích tập trung chính ở các tỉnh: Bạc Liêu, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa...
Muối ở Việt Nam chủ yếu được sản xuất bằng 2 phương pháp. Một là phương pháp phơi cát thủ công ở miền Bắc và Bắc miền Trung. Hai là phương pháp phơi nước gồm: Phơi nước phân tán ở miền Trung và miền Nam; phơi nước tập trung để sản xuất muối công nghiệp ở 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Năm 2020, diện tích sản xuất muối cả nước đạt xấp xỉ 12.000ha, trong đó, muối thủ công là 8.422ha, muối công nghiệp là 3.504ha, sản lượng khoảng 1,35 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu rất nhiều muối từ nước ngoài để phục vụ sản xuất công nghiệp, chế biến và sinh hoạt hàng ngày.
Thái Bình hiện chỉ còn duy nhất xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy đang sản xuất muối. Sản phẩm muối ở Thái Bình được làm theo phương pháp truyền thống của miền Bắc là thẩm thấu nước mặn qua cát nên muối giữ được nhiều vitamin, khoáng chất cùng hơn 60 nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khỏe con người, có thể làm thuốc chữa bệnh.
Tổng diện tích đất làm muối ở Thái Bình là 38,8ha, trong đó diện tích hiện đang sản xuất muối là 4ha, chiếm 10,3%. Diện tích để hoang hóa 33,36 ha chiếm 86%, diện tích tự ý chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản 1,44ha chiếm 3,7%. Sản lượng muối năm 2020 đạt 200 tấn.
Tại xã Thụy Hải giờ chỉ còn 53 hộ diêm dân tham gia sản xuất muối. Nguyên nhân là do nghề muối không còn là nghề đảm bảo đời sống cho diêm dân, làng nghề sản xuất muối truyền thống hàng trăm năm có nguy cơ mai một, thất truyền.
Xây dựng thương hiệu 'Muối Bà Chúa Muối
Điều đặc biệt của làng nghề muối Thụy Hải không chỉ là nghề truyền thống mà còn gắn liền với di tích Bà Chúa Muối ở thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của Bà Chúa Muối, 14/4 Âm lịch, dân làng xã Thụy Hải lại mở hội, trong hội có trò “múa ông Đùng bà Đà”.
Đây là một trong những điệu múa cổ xưa nhất của người Việt, mang đậm nghi lễ nông nghiệp gắn với tín ngưỡng phồn thực độc đáo. Vì vậy, rất cần bảo tồn nghề sản xuất muối phơi cát tại Thủy Hải bởi ngoài các ý nghĩa về kinh tế, còn là sự bảo tồn làng nghề nhiều đời, bảo tồn văn hóa truyền thống của di tích văn hóa, lịch sử Phủ Bà Chúa Muối.
Theo báo cáo của tỉnh Thái Bình về Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất muối Thụy Hải gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030”, quan điểm chính của dự án là việc bảo tồn, phát triển nghề sản xuất muối cổ truyền sẽ giải quyết vấn đề lao động, nâng cao đời sống cho diêm dân, đồng thời phát triển kinh tế xã hội ở địa phương theo hướng gắn việc khôi phục làng nghề sản xuất muối với du lịch và giữ vững an ninh quốc phòng.
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023