Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cũng giống như nhiều hoạt động khác, việc đi chợ mua sắm hàng hóa của người dân đang dần thay đổi.
Thói quen mới đang hình thành để vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương. Thay đổi thói quen
Trước đây, người dân thường có thói quen đi chợ mua thực phẩm hằng ngày. Nhiều người có thói quen ăn sáng bên ngoài, không ít gia đình thường xuyên tổ chức ăn uống tại các nhà hàng, nhưng đại dịch Covid-19 đã dần thay đổi các thói quen này và hình thành một nếp sinh hoạt mới.
Để thống nhất trong quản lý, kiểm tra và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhiều địa phương như TP Hải Dương, Chí Linh, các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, Gia Lộc đã triển khai phát thẻ đi chợ cho người dân. Tùy từng địa phương, thẻ đi chợ được phát cho các hộ có nhu cầu và cứ 2-3 ngày mỗi hộ được phát 1 thẻ. Lực lượng quản lý chợ sẽ thu lại và lưu giữ để phục vụ điều tra dịch tễ khi cần thiết.
Chị Bùi Thị Hằng ở đường Hoàng Lộc, phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) chia sẻ: “Ngày đầu khi thành phố phát thẻ đi chợ, tôi chưa quen và cảm thấy rất bí bách. Hôm đầu có thẻ, đi chợ về tôi quên mua một số loại rau gia vị, hôm sau muốn đi tiếp để mua nhưng không được. Sau gần chục ngày thực hiện tôi thấy đã quen dần. Mỗi lần đi chợ, tôi sẽ lên danh sách thực phẩm cần mua cho những ngày tới”.
Để hạn chế đi lại và tiếp xúc trong thời điểm này, mỗi lần đi chợ người dân đều mua thực phẩm với số lượng nhiều gấp 2 - 3 lần so với trước khi có dịch. Có mặt tại chợ Thanh Bình (TPHải Dương), mặc dù lượng người đi chợ ít nhưng ai nấy đều “tay xách nách mang” nhiều loại thực phẩm khác nhau. Chị Đỗ Thị Hồng Giang ở khu 2, phường Thanh Bình chia sẻ trước đây, gia đình chị thường mua thực phẩm sử dụng trong ngày nên đi chợ thường xuyên. Nay mỗi lần đi chợ chị Giang phải mua tích trữ vài ngày. “Mặc dù thực phẩm để trong tủ lạnh không tươi ngon bằng việc ăn đến đâu mua đến đấy nhưng thời điểm này việc bảo đảm an toàn, hạn chế tiếp xúc vẫn là ưu tiên số 1”, chị Giang nói.
Cũng như nhiều địa phương khác, chợ Giải ở xã Kim Đính (Kim Thành) những ngày này rất vắng vẻ. Ông Phạm Văn Lực, Trưởng Ban Quản lý chợ Giải cho biết trong chợ hiện chỉ còn các tiểu thương là người địa phương. Không có người của xã khác đến bán hàng như trước. Do lo ngại dịch bệnh nên thời điểm này người dân cũng dè dặt hơn khi mua hàng. Mọi người đều giữ khoảng cách để tránh tiếp xúc gần. Các gian hàng thưa vắng, người đi chợ rất ít. Thời gian họp ngắn hơn, chỉ chưa đầy 2 tiếng chợ đã không còn người.
Người dân đang dần thay đổi thói quen đi chợ, hạn chế ra ngoài mua sắm. Nâng cao ý thức
Mặc dù bị hạn chế về khu vực và số lần đi chợ nhưng người dân vẫn vui vẻ. Việc sử dụng thẻ cũng đã làm thay đổi thói quen mua sắm ở chợ của nhiều người dân theo hướng an toàn, tiết kiệm hơn.
Là tiểu thương chuyên bán các loại rau tại chợ Phe, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) hơn 10 năm nay, chưa khi nào chị Phạm Thị Đồi thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân lại giảm mạnh như thời điểm này. “Người dân đi chợ ít hơn, hàng hóa tại chợ bán rất chậm. Dù vậy, cá nhân tôi thấy việc dùng thẻ đi chợ là rất đúng đắn, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống dịch và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan”.
Nằm trong khu vực bị phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19, các hoạt động giao thương, mua bán của người dân xã Bắc An (TP Chí Linh) cũng thay đổi nhiều. Theo ông Dương Đức Giang, Chủ tịch UBND xã Bắc An, người dân địa phương thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch theo khuyến cáo. Việc đi lại, mua bán ở đây rất hạn chế. Phần lớn người dân trong vùng cách ly ưu tiên thực hiện “tự cung tự cấp”, sử dụng lương thực, thực phẩm sẵn có tại gia đình. Người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tại các chợ trong tỉnh chỉ còn các gian hàng lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu. Vì vậy, nhiều người đã hạn chế được thói quen mua sắm những mặt hàng không thực sự cần thiết, tiết kiệm hơn khi đi chợ. Chị Nguyễn Thị Hạnh ở khu 8, phường Việt Hòa (TP Hải Dương) chia sẻ: “Từ Tết đến giờ tôi mới đi chợ 2 lần và chỉ mua rau củ, thức ăn. Mỗi lần đi chợ cũng nhanh hơn, không mua đồ ăn vặt hay la cà hàng quán khác. Tính ra chi phí đi chợ giảm được 1/3 so với trước”.
Để thực hiện phòng chống dịch, việc hạn chế đi lại, tiếp xúc là rất cần thiết. Người dân đang thay đổi thói quen mua sắm, nâng cao ý thức bảo vệ mình, chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch.