Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm theo quy luật hàng năm, giá các loại thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính làm CPI tháng 3 giảm.
Mức giảm này cũng là quy luật. Thông thường, CPI tháng Ba thường giảm so với tháng Một và tháng Hai, hai tháng có các kỳ nghỉ lễ tết, nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao.
CPI tháng Ba, theo Tổng cục Thống kê, chỉ tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016.
Trong khi đó, CPI bình quân quý I tăng 0,29%. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 20 năm qua.
Tốc độ tăng CPI bình quân quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2002-2021 lần lượt là: tăng 2,95%; tăng 3,82%; tăng 4,23%; tăng 9,07%; tăng 8,31%; tăng 6,58%; tăng 16,37%; tăng 14,47%; tăng 8,51%; tăng 12,79%; tăng 15,95%; tăng 6,91%; tăng 4,83%; tăng 0,74%; tăng 1,25%; tăng 4,96%; tăng 2,82%; tăng 2,63%; tăng 5,56%; và tăng 0,29%.
Với mức tăng chỉ 0,29% trong quý I/2021, khả năng kiểm soát lạm phát năm nay ở mức dưới 4% là có thể.
Quay trở lại với diễn biến CPI tháng 3/2021, Tổng cục Thống kê cho biết, so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhiều nhất với 1,46%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản bình quân quý I/2021 tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tháng Ba tiếp tục ghi nhận giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới do sự hỗ trợ của các gói kích thích tài khóa cùng với việc đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ phục hồi khiến vàng trở nên kém hấp dẫn. Chỉ số giá vàng tháng 3/2021 giảm 2,97% so với tháng trước; giảm 0,63% so với tháng 12/2020, nhưng lại tăng 16,84% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2021 tăng 0,23% so với tháng trước; giảm 0,11% so với tháng 12/2020 và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023