Chợ truyền thống tại Phú Thọ: Phát huy hiệu quả từ hướng đi mới

Thứ hai - 28/09/2020 03:17
Trước những bất cập của chợ truyền thống, thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng các địa phương trong tỉnh Phú Thọ đã tăng cường huy động, nguồn lực đầu tư xây dựng chợ và quyết liệt chỉ đạo thực hiện hoạt động của các chợ truyền thống nhằm đảm bảo văn minh thương mại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Chợ truyền thống tại Phú Thọ: Phát huy hiệu quả từ hướng đi mới
    Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã phát triển tương đối đồng bộ và hiện đạị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 trung tâm thương mại, 17 siêu thị và trên 200 cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, với sự phát triển nhanh, mạnh của thương mại điện tử với các hình thực thương mại hiện đại, góp phần gia tăng mua sắm trực tuyến đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên thói quen mua, bán hàng hóa tại các chợ truyền thống là hình thức thương mại có truyền thống lâu đời gắn với tập quán sinh hoạt của nhân dân, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh hiện còn 215 chợ truyền thống, trong đó có 3 chợ hạng 1, 13 chợ hạng 2 và 199 chợ hạng 3. Tuy nhiên, đa số các chợ này được đầu tư xây dựng từ lâu,  đến nay có nhiều chợ bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. 
20190527224332 af37 wm

   Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ thì chợ hạng 1, hạng 2 do UBND các huyện, thành, thị quản lý, chợ hạng 3 và chợ tạm do UBND các xã, phường, thị trấn quản lý. Thực tế hiện nay, một số văn bản pháp lý quy định trong công tác quản lý chợ đã được ban hành từ lâu, không còn phù hợp với tình hình thực tế, các ban quản lý chợ hạng 3 ở các xã, phường chủ yếu kiêm nhiệm, không có đủ năng lực chuyên môn. Các chợ ở vùng nông thôn thường họp theo phiên, thời gian họp chợ ngắn  nên số lượng những ngày này thường tập trung đông người dẫn đến việc  lấn chiếm lòng lề đường, gây mất vệ sinh và không đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Khó khăn hiện nay trong đầu tư nâng cấp, sửa chữa các chợ là do nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các chợ hầu như không có mà chủ yếu là từ các nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn chưa có các chính sách thỏa đáng để thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa từ doanh nghiệp dẫn đến các chợ chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp thường xuyên.
image001

    Ông Đỗ Phi Hùng- Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hạ Hòa cho biết: “Xác định phát triển mạng lưới phân phối là nội dung quan trọng trong hoạt động thương mại, do đó UBND huyện định hướng phát triển các loại hình thương mại theo hướng văn minh hiện đại. Theo định hướng này, vai trò của chợ truyền thống sẽ được nâng lên, chú trọng đầu tự hạ tầng và đổi mới phương thức quản lý để cải thiện điều kiện kinh doanh, tạo mỹ quan đô thị và nông thôn mới, phù hợp với thói quen mua sắm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn. Tuy nhiên trên địa bàn huyện hiện nay có 16 chợ truyền thống thì đa số đã xuống cấp, cần có sự quan tâm của UBND tỉnh, các sở, ngành để có chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển mạng lưới chợ truyền thống, đặc biệt là chợ đầu mối”.
   Trước thực trạng đó, Sở Công thương đã chỉ đạo rà soát quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Phú Thọ, trong đó có quy hoạch các chợ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt sau khi chia tách, sáp nhập các xã để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung, tích hợp vào quy hoạch tỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Sở Công thương có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác quản lý các chợ trên địa bàn, giải tỏa các chợ tự phát, chợ cóc, chợ tạm không đảm bảo điều kiện hoạt động, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các chợ, đảm bảo các yêu cầu hoạt động. Các sở, ngành liên quan và các địa phương đã tăng cường xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp có đủ điều kiện, có năng lực tham gia xã hội hóa đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp  và chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quản lý, khai thác, vận hành như chợ truyền thống thành phố Việt Trì do Công ty TNHH xây dựng Tự Lập làm chủ đầu tư với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhiều người tiêu dùng, khắc phục được bất cập của chợ truyền thống trước đây. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh thương mại, hàng hóa lưu thông trên thị trường và tại các chợ nhằm phát hiện, xử lý các đối tượng kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
   Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Thọ cho biết: “Trong thời gian tới, ngành Công thương tham mưu với UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương  trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy định pháp luật trong công tác quản lý chợ, đáp ứng với yêu cầu trong tình hình hiện nay. Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 báo cáo Bộ Công thương hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp một số chợ trên địa bàn tỉnh theo chương trình của Bộ Công thương đã được Chính phủ phê duyệt. Sở tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và ban hành Quyết định quy định về quy trình chuyển mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng cường xã hội hóa công tác đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp và chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác các chợ trên địa bàn tỉnh cho các doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính, năng lực quản lý. Đồng thời phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành, thị cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền để các hộ kinh doanh và người dân không tổ chức họp chợ lấn chiếm lòng đường, họp chợ không đúng quy định; tổ chức rà soát các chợ họp không đảm bảo theo quy hoạch, làm mất an ninh trật tự, tổ chức di dời, giải tỏa các chợ theo quy định. Tăng cường công tác quản lý, nhằm đảm bảo các chợ hoạt động an toàn và hiệu quả”.
   Để theo kịp xu thế hiện đại hóa mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của người Việt, rất cần sự phát triển đa dạng của các loại hình thương mại nhưng cũng cần duy trì, bảo tồn những khu chợ truyền thống mang nét đặc trưng của từng địa phương. Việc định hướng kết nối du lịch với một số chợ truyền thống vì thế cũng cần được quan tâm hơn bởi thực tế chính hoạt động trải nghiệm không gian chợ truyền thống, ẩm thực địa phương là yếu tố thu hút khách du lịch. Vì vậy, việc tìm hướng đi mới cho chợ truyền thống là cần thiết nhưng cần  giữ được nét văn hóa vốn có đồng thời đáp ứng được những tiêu chuẩn của chợ văn minh  hiện đại.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây