Chỉ là khung nhà hai mái, không vách, thuận tiện cho việc mua bán, Nhà Lồng Chợ đã thành tâm điểm giao lưu của cộng đồng, thể hiện bản sắc địa phương, lưu giữ ký ức của bao thế hệ.
Còn ai nhớ chợ nhà lồng?
Các thị tứ, thị trấn Nam bộ thường có các chợ nhà lồng ở khu vực trung tâm của cộng đồng dân cư. Khác với Bắc bộ, chợ quê thường tập trung tại các bãi đất trống ven làng, không có không gian cụ thể và rõ ràng như các chợ nhà lồng Nam bộ. Từ lâu tôi đã nghĩ rằng chợ nhà lồng chắc được người Pháp đưa vào Nam bộ khá sớm, vì có thể nhận thấy các chợ nhà lồng cổ hiện còn có kiến trúc, hình thức, quy mô, thậm chí vật liệu xây dựng cũng khá giống nhau, tức là có cùng một khoảng niên đại.
Những lần có dịp đi Pháp làm việc hay du lịch, tôi thường bắt gặp trong nhiều làng cổ ở Pháp ngôi chợ “nhà lồng” cũng ở trung tâm của làng hay khu vực dân cư tập trung đông. Làng nào cũng có hai công trình công cộng là nhà thờ và chợ, nhưng chợ thì không xây dựng trước nhà thờ hoặc gần các công trình tôn giáo. Qua tìm hiểu, tôi được biết trước đây chợ nhà lồng không chỉ có chức năng mua bán hàng hóa mà còn thêm chức năng thông tin. Ở đô thị các thông tin có thể được chính quyền thông báo tại trụ sở, trung tâm hành chính; còn trong cộng đồng dân cư nhỏ như làng thì thông tin được thông báo bằng văn bản dán hoặc đọc tại các chợ.
Những thông tin này liên quan trực tiếp đến đời sống, hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của dân cư trong làng. Vì vậy, chức năng thông tin của chợ nhà lồng rất quan trọng.
Tại Pháp, công tác bảo tồn những công trình cổ rất tốt, không chỉ gìn giữ lại phần vật chất, thực thể của công trình mà còn duy trì, nuôi sống được cái hồn của mỗi công trình cổ. Những ngôi chợ cổ ở Pháp hiện nay chủ yếu hoạt động trong các ngày lễ hội, cuối tuần và phục vụ trong những thời gian đông du khách như mùa hè.
Xưa, đây là nơi nhộn nhịp và sinh động nhất trong cuộc sống của người dân tại làng quê Pháp thì nay là nơi họ có thể trưng bày, giới thiệu và bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay ẩm thực độc đáo - niềm tự hào của làng quê. Chợ hoạt động phục vụ nhu cầu của dân bản địa và khách du lịch. Loại hình chợ này rất thuận tiện cho mọi người có nhu cầu tham quan, mua sắm thoải mái.
Một điều bất ngờ và thú vị là trong cuốn hồi ký Xứ Đông Dương thuộc Pháp của Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương 1897-1902 đã nói đến vai trò của chợ nhà lồng trong các làng ở Nam kỳ vào cuối thế kỷ 19. Trong đó Paul Doumer xác nhận rằng ở Nam kỳ chưa có khu chợ nào có mái che trước khi người Pháp đến, ngày xưa chợ họp ngay trong làng hoặc trên mảnh đất rìa làng; sau đó những người bán hàng ở chợ đã được ngồi bên dưới một công trình có mái che như ở Pháp nhưng bốn phía thông thống để gió vào, rất thích hợp với khí hậu ở Nam kỳ; rằng, một trong những cơ sở quan trọng nhất của một làng ở Nam kỳ hiện đại là cái chợ, và làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác gì tự hào về đình làng vậy. Tuy nhiên lợi ích quan trọng nhất của chợ là làng thu được từ chợ một khoản thuế lớn để làm công quỹ.
Như vậy, chợ nhà lồng ra đời không chỉ là sự thay đổi về hình thức của “chợ quê” mà còn là sự thay đổi một cách thức buôn bán: trong số những người đến chợ mua bán theo kiểu tự cung tự cấp có những người trở thành “chuyên nghiệp” vì buôn bán thường xuyên và cố định trong nhà lồng, họ có nghĩa vụ đóng thuế - chính thức hóa nghề nghiệp. Và nguồn thu từ thuế chợ trở thành một nguồn kinh phí cho hoạt động công ích của làng xã.
Hiện nay rất đáng tiếc là nhiều nơi ở Nam bộ đã phá chợ nhà lồng, xây nên những “trung tâm thương mại” hoành tráng mà vô hồn, chỉ còn lại một số ít ngôi chợ nhà lồng cổ xưa. Bên cạnh việc bảo tồn “chợ nổi” trên sông nước như một nét độc đáo của văn hóa và du lịch miền Tây thì chợ nhà lồng cũng cần được bảo tồn và duy trì hoạt động vì đã lưu giữ nét “văn hóa thương nghiệp” độc đáo của các thị tứ Nam bộ. Với giá trị lịch sử như vậy chợ nhà lồng hoàn toàn xứng đáng được coi là di sản văn hóa của Nam bộ, cả ngôi nhà lồng và những sinh hoạt chợ truyền thống ở đó.
Cụm từ “chợ nhà lồng” xuất phát từ Nam bộ, ở Bắc bộ hầu như không sử dụng tên gọi này. Từ này mang ý nghĩa tượng hình cho biết hình thức chợ giống như cái lồng: có giới hạn phạm vi nhưng không bị che kín, rộng rãi, đặc biệt là tuy có mái che nhưng kiến trúc và tổ chức không gian của chợ vẫn thông thoáng. Không gian chợ nhà lồng giới hạn bởi mái cao, gian chợ rộng, có hàng cột bốn phía đỡ mái, nền cao tránh ngập nước cũng là để phân biệt với không gian ngoài chợ. Nhưng không gian trong và ngoài nhà lồng có thể kết nối với nhau và với xung quanh vì chợ Nam bộ thường nằm sát bến sông hoặc gần các ngã đường lớn, dễ dàng tiếp cận.