Hạ tầng dần hoàn thiện, môi trường đầu tư thông thoáng
Với 5 cửa khẩu, 3 sân bay quốc tế, cùng mạng lưới quốc lộ đồng bộ, thuận tiện kết nối, khu vực Tây Nguyên dễ dàng thông thương với tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Tăng trưởng GRDP các địa phương trong khu vực những năm gần đây có mức tăng khá ấn tượng, một số địa phương cao hơn trung bình cả nước.
Từ năm 2019, thị trường đất nền đã dần hình thành và sôi động ở hầu hết các tỉnh trong khu vực, với sự xuất hiện của hàng loạt dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại do các “ông lớn” như BRG, Tập đoàn FLC, Văn Phú Invest, T&T Group… góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng đô thị, dịch vụ của khu vực.
Gia Lai đóng vai trò tâm điểm kết nối duyên hải Nam Trung bộ với Tây Nguyên, có lợi thế sở hữu sân bay và hệ thống cơ sở hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện, tài nguyên thiên nhiên trù phú, thổ nhưỡng phì nhiêu và kho tàng văn hóa sử thi đồ sộ. Gia Lai được đánh giá là vùng đất có tiềm năng dồi dào để thu hút đầu tư phát triển thị trường bất động sản.
Theo quy hoạch của Chính phủ, Gia Lai là trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và “vùng động lực” trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều chính sách thông thoáng thu hút đầu tư. Minh chứng là sự thăng hạng liên tiếp trong bảng xếp hạng PCI, như tăng 10 bậc năm 2018.
Với quyết tâm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị để mở đường cho đầu tư tư nhân, Gia Lai đã quy hoạch triển khai các khu dân cư, đô thị mới hiện đại. Tốc độ đô thị hóa của Gia Lai đang diễn biến mạnh mẽ, dự báo đến năm 2025, tốc độ đô thị hóa tại tỉnh đạt khoảng 35% và tăng lên 45% vào năm 2035.
Thị trường bất động sản tiềm năng
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Gia Lai hai năm qua có dấu hiệu tăng trưởng tốt, không chỉ với phân khúc truyền thống đất nền, nhà phố trung tâm Pleiku, mà ở các huyện như Chư Sê, Mang Yang cũng dần hình thành thị trường.
Khách hàng cũng đa dạng hơn, không chỉ người địa phương mà còn thu hút rất nhiều dòng tiền lớn từ hai đầu đất nước và đặc biệt là từ miền Trung.
Theo ông Văn Tuấn Huy, Giám đốc đầu tư Công ty CP Đầu tư Bất động sản Dana, nếu trước đây người dân miền Trung, nhiều nhà đầu tư Tây Nguyên đổ về thị trường Đà Nẵng mua đất trong giai đoạn bùng nổ 2016 – 2018, thì nay đang có xu hướng chuyển dịch đến các tỉnh thành giàu tiềm năng, mới hình thành thị trường, trong đó Gia Lai là điểm đến nổi trội.
Đơn cử Tập đoàn FLC và Asian Holding đã cùng đầu tư phát triển một dự án tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại, sân golf… tại Gia Lai. Nhiều khu đô thị, thương mại và du lịch cũng dần hình thành như dự án tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại FLC Hilltop Gialai, Khu dân cư Hùng Vương – Chư Sê, Khu đô thị Cầu Sắt, Vincity Gia Lai….
Ông Lê Khánh Giang - Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc I-Smart Land - cho rằng, qua theo dõi thị trường Tây Nguyên và đặc biệt là Gia Lai, năm 2021 với sự xuất hiện của những ông lớn bất động sản đẩy mạnh đầu tư, gia bất động sản tại đây rục rịch tăng giá. “Gia Lại đang là thị trường tiềm năng nhưng nhà đầu tư nên chọn những sản phẩm pháp lý rõ ràng, có sổ đỏ đảm bảo” - ông Lê Khánh Giang chia sẻ.
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023