Đồng hành với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc kết nối, trao đổi hàng hóa, mở rộng, phát triển thị trường… là những nội dung luôn được Sở Công thương Phú Yên quan tâm.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Phú Yên cho biết:
- Phú Yên có lợi thế về phát triển kinh tế biển, có nhiều loại thủy sản thế mạnh với trữ lượng lớn, có giá trị kinh tế cao. Tỉnh cũng đầu tư cho khu chế biến nông, ngư nghiệp ứng dụng công nghệ cao để hướng đến sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng và hiệu quả; góp phần tạo cơ sở để tỉnh phát triển thương mại dựa trên những sản phẩm đặc thù từ khai thác tài nguyên biển. Các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của tỉnh như cá ngừ, tôm đông lạnh chế biến, đồ hộp, tinh bột sắn, nhân hạt điều, sản phẩm gỗ…
Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, kết cấu hạ tầng thương mại được chú trọng đầu tư. Các hoạt động thương mại được mở rộng cả trong và ngoài tỉnh, bao gồm các hoạt động trao đổi, giao lưu hàng hóa với các tỉnh lân cận, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả thị trường thế giới.
* Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, phát triển thị trường, giúp các doanh nghiệp phát triển là một trong những nội dung quan trọng đang được ngành Công thương Phú Yên triển khai, bà có thể nói rõ hơn về điều này?
- Để kết nối sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong cả nước, ngành Công thương Phú Yên đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh như An Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk… hỗ trợ doanh nghiệp, lập đoàn tham gia các hội nghị kết nối cung cầu ở các tỉnh khác và nước ngoài. Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đối thoại, giải quyết vướng mắc, triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, thiết lập hệ thống thương mại điện tử để doanh nghiệp tiếp cận, vận dụng vào thực tế... Qua đó, doanh nghiệp được giao lưu, học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh.
Từ hoạt động sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, các doanh nghiệp đã chuyển dần sang cách tiếp cận mới về thị trường; đã nhận thức về cách làm nhãn hiệu, đóng gói bao bì, nắm bắt thị hiếu xu hướng tiêu dùng và tiến đến xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, sản phẩm của mình. Ngoài ra, đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cũng từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm để có chỗ đứng và cạnh tranh trên thị trường. Những sản phẩm đặc trưng như cá ngừ đại dương, bò khô một nắng, nước mắm, hải sản khô… ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ sang các tỉnh khác, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng.
Tuy nhiên, việc kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối vẫn còn những khó khăn. Trong đó, hoạt động đưa sản phẩm (nhất là của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ) đến các nhà phân phối lớn như siêu thị còn gặp phải những trở ngại nhất định. Một số doanh nghiệp chưa chủ động tìm kiếm thị trường, kết nối với các nhà sản xuất, phân phối, đối tác tại địa phương cũng như các tỉnh khác…
Những hạn chế này phần lớn là do các cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà phân phối, hay quy định của các nhà phân phối về thời gian thanh toán, chiết khấu, giá cả… nên một số cơ sở sản xuất chọn kênh bán lẻ thông qua chợ truyền thống chứ không vào siêu thị. Mặt khác, do các cơ sở còn hạn chế về nhân lực, chưa chú trọng đầu tư để xây dựng thương hiệu, nhất là thương hiệu trực tuyến trong thời đại phát triển công nghệ thông tin, thương mại điện tử.
* Vậy, ngành Công thương Phú Yên có những giải pháp gì để giúp các doanh nghiệp phát triển?
- Trước mắt, cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách thu hút phát triển thương mại trên địa bàn trên cơ sở kết hợp giữa loại hình tổ chức thương mại truyền thống và hiện đại. Tại khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu tập trung dân cư, khu công nghiệp... chú trọng phát triển các loại hình tổ chức thương mại hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích) kết hợp với các loại hình tổ chức thương mại truyền thống (chợ, cửa hàng bán lẻ truyền thống); xây dựng đồng bộ và hoàn thiện về hạ tầng công nghệ tạo nền tảng để phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ngành Công thương Phú Yên cũng sẽ đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến thương mại; kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các doanh nghiệp. Đơn vị cũng phát huy vai trò cầu nối, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp thương mại và người sản xuất; giới thiệu quảng bá sản phẩm hàng hóa tham gia vào chuỗi cung cấp hàng hóa của các nhà phân phối, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của tỉnh, khu vực và cả nước.
* Vậy để thực hiện những giải pháp trên thì yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp tỉnh Phú Yên là gì?
- Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh ở quy mô vừa và nhỏ, chưa nhiều kinh nghiệm, doanh nghiệp cần tăng cường nâng cao năng lực quản trị, tập trung sản xuất, kinh doanh đối với những sản phẩm, lĩnh vực có lợi thế. Doanh nghiệp phải đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước và ngoài nước, tránh những trường hợp bị đánh cắp thương hiệu. Đồng thời tích cực ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; lựa chọn và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo quy chuẩn… nhằm tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Doanh nghiệp cũng nên tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường, bao gồm cả thị trường đầu vào và đầu ra, khu vực nông thôn, đặc biệt chú ý tới các thị trường mới, giàu tiềm năng; không ngừng xây dựng và thiết lập hệ thống kênh phân phối trên địa bàn một cách có hiệu quả.