Thông qua truyền thuyết Mai An Tiêm, cây dưa được xem có gốc tích từ vùng đất Nga Sơn. Từ bao đời nay, sản phẩm dưa hấu Nga Sơn luôn được người dân biết đến bởi sự giòn, ngọt, căng mọng.
Từ vùng đất trồng dưa truyền thống, đến nay cây dưa hấu cùng nhiều loại dưa mới khác đã có mặt tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và đang được phát triển theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đất trồng dưa, những năm qua, được sự định hướng của chính quyền địa phương, bà con nông dân huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư cải tạo đồng đất, đưa các giống dưa hấu có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện canh tác vào gieo trồng. Áp dụng biện pháp trải ni-lông lên mặt ruộng nhằm giảm sâu bệnh, cỏ dại, từ đó hạn chế việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm dưa hấu bảo đảm an toàn thực phẩm. Khuyến khích các đơn vị, hộ cá thể tích tụ đất đai, hình thành cánh đồng trồng dưa hấu tập trung, quy mô lớn.
Ngoài việc phát triển trồng dưa hấu truyền thống theo chiều sâu, huyện Nga Sơn còn khuyến khích các HTX, hộ dân mạnh dạn đầu tư nhà lưới để đưa các loại dưa mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng theo hướng công nghệ cao, như: Dưa Kim Hoàng hậu, dưa lưới Nhật Bản, dưa Baby.
Có mặt trên vùng đất đồi huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa gần 4 năm, kể từ khi người dân thực hiện chuyển đổi diện tích trồng mía có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn theo chỉ đạo của UBND huyện, song cây dưa hấu chưa bao giờ làm cho bà con nông dân nơi đây thất vọng về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế đạt được. Vì thế, diện tích trồng dưa trên vùng đồi của huyện những năm gần đây không ngừng được mở rộng. Hiện, toàn huyện có khoảng 120 ha trồng dưa hấu trên vùng đất đồi, tập trung ở các xã: Bãi Trành, Xuân Bình, Xuân Hòa. Năng suất bình quân mỗi ha đạt từ 28 đến 30 tấn/vụ, lãi từ 120 đến 150 triệu đồng/vụ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, diện tích trồng dưa mỗi năm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.000 ha. Riêng vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh đã trồng được gần 700 ha dưa các loại. Diện tích trồng dưa trên địa bàn tỉnh đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Đối với diện tích trồng dưa chuột, dưa lê lãi bình quân đạt từ 100 đến 120 triệu đồng/ha/vụ; diện tích trồng dưa hấu lãi đạt từ 120 đến 250 triệu đồng/ha/vụ; diện tích trồng dưa theo hướng công nghệ cao lãi đạt tới 600 đến 700 triệu đồng/ha/vụ, thậm chí có nơi lãi đạt tới hơn 1 tỷ đồng/ha/vụ.