Ngành Công Thương Hải Dương đặt ra mục tiêu phát triển hạ tầng thương mại với sự tham gia của các thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, phương thức kinh doanh, phấn đấu tất cả các xã có chợ đều đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.
Chợ Giống, xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương được thành lập theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 733/QĐ-UBND của UBND huyện Kim Thành. Với hình thức xã hội hóa, chợ hướng đến tiêu chuẩn an toàn, văn minh thương mại với đầy đủ các điều kiện về xây dựng đúng quy chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi đưa vào sử dụng, chợ Giống được đánh giá là mô hình điểm cho cuộc "lột xác" thành công từ chợ dân sinh sang chợ thương mại. Chợ Giống đi vào hoạt động đã hiện thực hóa chủ trương của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương trong huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn.
Theo Quy hoạch phát triển chợ, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Hải Dương có 187 chợ. Trong đó, giữ nguyên 93 chợ; nâng cấp cải tạo 47 chợ; xóa bỏ 5 chợ; di chuyển xây mới 15 chợ; xây mới trên nền chợ cũ 12 chợ; phát triển thêm 20 chợ. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 205 chợ. Trong đó, giữ nguyên 156 chợ giai đoạn trước; nâng cấp cải tạo 27 chợ; di chuyển xây mới 4 chợ; phát triển thêm 18 chợ.
Việc quy hoạch phát triển chợ sẽ đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa chợ và các loại hình thương mại khác, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương và phù hợp với sự gia tăng hoạt động thương mại.
Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 172 chợ các loại (3 chợ hạng 1, 20 chợ hạng 2, 149 chợ hạng 3). Cùng với đó là 2 trung tâm Thương mại tại thành phố Hải Dương là Big C và Minh Hải Plaza, 20 siêu thị chuyên doanh và tổng hợp. Theo Sở Công Thương Hải Dương, với sự hình thành và phát triển của mạng lưới chợ, siêu thị trên địa bàn trong thời gian qua đã đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm hàng hóa của dân cư, góp phần gia tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa, cũng như làm thay đổi tích cực diện mạo ngành thương mại. Ngoài ra, nhiều hình thức kinh doanh thương mại khác như đại lý, trả góp, chuỗi cửa hàng tiện ích, nhượng quyền thương mại… đã và đang phát triển, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động trên địa bàn.