Sau hơn 5 năm thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã có 119/127 chợ được chuyển đổi, đạt 94% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ vẫn đang là những "nút thắt" khiến phát triển hạ tầng thương mại nông thôn (tiêu chí số 7) gặp nhiều khó khăn.
Chuyển đổi mô hình quản lý chợ đạt 94%
Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, công tác quản lý chợ trên địa bàn trong thời gian qua đã được quan tâm thực hiện. Hệ thống pháp luật về chợ tương đối đầy đủ, từ công tác quy hoạch đến triển khai chỉ đạo theo nghị định của Chính phủ. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Tài chính… làm việc với các đơn vị để rà soát, đôn đốc trong công tác quản lý, quy hoạch chợ. Do đó, đã có những chuyển biến về quản lý nhà nước từ phân hạng chợ, sắp xếp khu vực kinh doanh, ngành hàng, giá dịch vụ…
Đến nay, tính chung trên địa bàn đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác 119/127 chợ, đạt 94% so với kế hoạch giao tại Quyết định số 2434/QĐ - UBND ngày 19/8/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Việc thực hiện chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý đã mang lại hiệu quả rõ nét về xã hội, tách bạch chức năng quản lý nhà nước. Sau chuyển đổi mô hình quản lý, hoạt động kinh doanh tại chợ bài bản hơn, ngành hàng bố trí hợp lý, vệ sinh môi trường được cải thiện; công tác phòng cháy, chữa cháy đảm bảo, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của bà con tiểu thương và người tiêu dùng; tăng thu ngân sách.
Hoạt động kinh doanh của các chợ đã mang lại việc làm, thu nhập cho nhiều lao động; một số chợ kinh doanh tốt, số lượng người kinh doanh trong chợ tăng nhiều so với trước đây. Đồng thời, góp phần tăng mức lưu chuyển hàng hóa, tăng thu cho ngân sách địa bàn.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển và quản lý chợ vẫn còn những bất cập cần khắc phục. Công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác và đầu tư xây dựng chợ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và vai trò của công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ; chưa đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp/hợp tác xã (HTX) quản lý và phát triển chợ. Việc thực hiện chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp/HTX quản lý tại một số chợ còn mang tính hình thức, phương thức hoạt động của một số HTX quản lý chợ còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chủ trương xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn hạn chế nên vẫn xảy ra tình trạng khiếu kiện tập thể, không đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn...
Huy động vốn xã hội hóa gặp khó
Đáng chú ý, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng chợ gặp nhiều khó khăn. Ông Phan Văn Đồng - Trưởng Ban quản lý chợ huyện Đồng Lộc - cho biết: Chợ huyện Đồng Lộc do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại 168 đầu tư, tổng vốn khoảng 15 tỷ đồng. Chợ có quy mô 200 ki-ốt nhưng hiện tại, chỉ khoảng 60% tiểu thương thuê kinh doanh. Ước tính, mỗi tháng, doanh nghiệp thu các khoản phí vào chợ khoảng 20 triệu đồng, chưa đủ để bù lỗ.
Chợ hoạt động không hiệu quả so với kỳ vọng ban đầu là tình trạng chung mà các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng chợ ở Can Lộc đang gặp phải. Theo thống kê, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, đến nay, toàn huyện Can Lộc có 13/15 chợ đã chuyển đổi. Trong đó, 5 chợ được chuyển đổi cho doanh nghiệp quản lý và 8 chợ do HTX quản lý.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do theo quy định, quy mô chợ loại 3 họp theo ngày nhưng nhiều chợ nông thôn trên địa bàn huyện Can Lộc nói riêng và Hà Tĩnh nói chung vẫn giữ nếp họp phiên, sức mua hạn chế nên việc khai thác các chợ do doanh nghiệp quản lý vẫn chưa hiệu quả. Trong khi đó, để đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường, hàng tháng, doanh nghiệp vẫn phải thuê công nhân quét dọn.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực quản lý kinh doanh, khai thác chợ, trong thời gian tới, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu các Sở: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường cần đôn đốc các quận, huyện chỉ đạo thực hiện tốt mô hình chuyển đổi chợ. Trong việc phân hạng chợ, cần khẩn trương triển khai theo tiêu chí đã được quy định; tránh hiện tượng phân hạng hình thức. Các quận, huyện cần hoàn thành phê duyệt công khai giá của các chợ hạng 2, 3 còn lại cũng như hoàn thành bố trí ngành hàng…