Đến hết tháng 7/2019, toàn tỉnh Bắc Giang có 453 HTX nông nghiệp/tổng số 706 HTX. Trong đó có nhiều sản phẩm chất lượng của các HTX tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Nhận thức rõ vai trò của bảo hộ nhãn hiệu đối với sản phẩm, một số HTX đã quan tâm hơn đến vấn đề này.
Hiện toàn tỉnh có 56 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Trong đó, từ đầu năm đến nay có một số nhãn hiệu được cấp gồm: Chả giã tay Lục Nam, rượu núi Huyền, khoai sọ Khám Lạng, khoai lang Bắc Lũng (Lục Nam)...
Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống người dân. Thời gian gần đây, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều cơ chế hỗ trợ các đơn vị này hoạt động, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa chủ lực.
Việc đăng ký nhãn hiệu là một biện pháp để bảo vệ uy tín nhà sản xuất, tạo lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm, giúp tăng tính cạnh tranh và phát huy giá trị.
HĐND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (theo Luật HTX năm 2012) trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nội dung hỗ trợ HTX xây dựng nhãn hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, năm 2019, toàn tỉnh hỗ trợ 8 sản phẩm của 8 HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Cuối tháng 11/2019, tại hội chợ “Cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bắc Giang”, UBND huyện Lục Ngạn hỗ trợ 30% kinh phí đối với việc mua hộp giấy đựng cam, bưởi các loại thay cho túi nilon. Bên cạnh đó, hỗ trợ 100 % kinh phí in ấn tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm trưng bày tại Hội chợ.
Hội chợ Cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm nay có khoảng 180 gian hàng của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và các doanh nghiệp, đơn vị trong, ngoài huyện tham gia. Trong đó, mỗi xã, thị trấn của huyện có 2 gian trưng bày, bán cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Toàn bộ các sản phẩm này đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kết quả tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017 - 2021, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2020-2021” diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua cho thấy: Mỗi địa phương trong tỉnh xây dựng được ít nhất 2 mô hình HTX điển hình; trong đó Hội Nông dân xây dựng 5 HTX, thành lập 11 tổ hợp tác; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập 8 HTX, kết nối cung cầu cho 68 HTX; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tư vấn giúp đỡ cho các HTX đăng ký tham gia chương trình OCOP 62 sản phẩm; Liên minh HTX cho nhiều HTX vay vốn mở rộng sản xuất…
HTX hăng hái thực hiện
Nhờ những chính sách cụ thể như trên mà nhiều HTX phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như:
Tháng 5/2019, HTX Sản xuất, tiêu thụ dê và ong mật xã Hồng Kỳ (Yên Thế) mới được thành lập (tiền thân là Câu lạc bộ nuôi ong xã Hồng Kỳ). Từ năm 2011, “Mật ong hoa rừng” đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, trở thành thương hiệu có tiếng trên thị trường. Do sản xuất hiệu quả nên phong trào nuôi ong đã được nhân rộng ra toàn huyện với khoảng 10 nghìn đàn, hơn 500 hộ nuôi.
Bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc HTX Sản xuất tiêu thụ rau an toàn Đa Mai tỉnh Bắc Giang cho biết: Hiện HTX sản xuất tiêu thụ rau an toàn Đa Mai có 5,7ha sản xuất rau, củ, quả theo quy trình VietGAP với 43 hộ tham gia. Mỗi ngày, sau khi thu hoạch tại ruộng, rau sẽ được đưa về phân loại, sơ chế ở HTX và dán tem truy xuất nguồn gốc. Bình quân mỗi ngày, HTX cung ứng hơn 1 tấn rau các loại cho bếp ăn tập thể, chợ đầu mối trong tỉnh.
HTX Nông nghiệp Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) thành lập hàng chục năm trước. Qua nhiều lần chuyển đổi, đến nay HTX đang hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới với 16 thành viên. Tổng diện tích đất canh tác của HTX khoảng 3ha. Năm 2018, HTX xây dựng 2 nghìn m2 nhà lưới, một nhà sơ chế 200m2 và một kho lạnh bảo quản cây giống.
Sản phẩm chủ yếu là hoa các loại như: Đào, lay ơn, ly ly, cúc... HTX đã liên kết với một số công ty và HTX khác đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, hoa của HTX được thị trường cả nước biết đến, riêng lay ơn có thể cạnh tranh với hoa cùng loại của Đà Lạt. Năm 2018, HTX có doanh thu từ hoa đạt gần 4 tỷ đồng.
Để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhiều HTX đang xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm bởi xu thế hiện nay, mọi hàng hóa đều phải rõ nguồn gốc, xuất xứ mới cạnh tranh được.