Bà Rịa - Vũng Tàu: Chợ truyền thống trước sức ép cạnh tranh

Thứ ba - 24/03/2020 03:17
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay, mạng lưới chợ đã bước đầu đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, do hình thành lâu đời nên mạng lưới chợ truyền thống vẫn tồn tại một số hạn chế, dẫn đến việc kinh doanh của tiểu thương đang gặp không ít khó khăn.
Nhiều khu vực kinh doanh của chợ Vũng Tàu hiện đang xuống cấp, ảnh hưởng đến việc mua bán của tiểu thương
Nhiều khu vực kinh doanh của chợ Vũng Tàu hiện đang xuống cấp, ảnh hưởng đến việc mua bán của tiểu thương

Nhiều chợ đã xuống cấp


Chợ Vũng Tàu được xây dựng năm 1985, trên diện tích đất rộng 13.370m2 (chợ loại 1). Trong những năm đầu mới đưa vào hoạt động, chợ gồm có 1.765 quầy, sạp (trong đó có 46 ki ốt). Sau 35 năm khai thác, mặc dù nhiều lần được sửa chữa nhỏ, nhưng hiện nhiều hạng mục của chợ đã xuống cấp. Đặc biệt, vào tháng 12/2006, cơn bão số 9 đổ bộ vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm thiệt hại nghiêm trọng quầy sạp và hàng hóa của các khu nhà lồng chợ. 

Ông Hoàng Văn An, Phó Ban Quản lý Chợ Vũng Tàu cho biết, hiện nay tại khu kinh doanh hàng tươi sống, các chân cột sắt đã bị gỉ sét, hệ thống thoát nước thấp hơn mặt đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Xô Viết Nghệ Tĩnh nên khi mưa xuống rất dễ ngập. Trong chợ, một số mái tôn đã bị thủng, mỗi khi mưa xuống nước thấm dột. Hệ thống mái hai bên cánh gà của nhà lồng chợ, cửa sắt kéo, máng xối thoát nước mưa trên nhà lồng chợ cũng đang xuống cấp, ảnh hưởng đến việc buôn bán của bà con tiểu thương. "Do chợ xuống cấp và những ảnh hưởng khách quan khác khiến tình hình buôn bán ế ẩm, nên nhiều tiểu thương đã ngừng kinh doanh. Hiện chỉ còn gần 700 hộ kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tạp hóa, may mặc, giày dép, kim khí, điện máy, trang sức, dịch vụ ăn uống…", ông An thông tin thêm.

Chị Lý Thu Thảo, tiểu thương bán giày dép ở chợ Vũng Tàu cho biết, chợ Vũng Tàu được xem là một trong nhiều chợ có quy mô lớn của thành phố, chuyên bán sỉ và bán lẻ, thế nhưng, hệ thống hạ tầng của chợ đang xuống cấp không xứng với tầm vóc của nó. Tình trạng chợ xuống cấp khiến việc bảo quản hàng hóa của tiểu thương cũng bị ảnh hưởng, nhất là vào mùa mưa. Mặc dù Ban quản lý chợ đã tiến hành sửa chữa nhưng cũng không thấm vào đâu... Cũng theo chị Thảo, những khách hàng quen trước đây giờ cũng ngại đi chợ, nhiều người, 1 tháng chỉ đi chợ 2-3 lần khi thật sự có nhu cầu.

Trong khi đó, tại chợ phường 11 (cũ), TP. Vũng Tàu, các lối đi trong chợ chật hẹp, nước đọng thành từng rãnh. Các khung thép tiền chế gỉ sét, mái tôn cũ kỹ, trên mái tôn các tiểu thương dùng dây kẽm chăng ngang gác tạm các tấm ván ép cũ để chống nóng, chống dột. Các chợ Xà Bang, Bình Giã, Xuân Sơn, Đức Mỹ - Suối Nghệ, Trung Sơn - Suối Nghệ (huyện Châu Đức) cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Ngô Văn Luận, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Đức cho biết: Hiện các chợ này đã xuống cấp, các trang thiết bị PCCC, vệ sinh môi trường không bảo đảm. Mặt khác, các ô sạp trong chợ sắp xếp chưa hợp lý, lối đi chật hẹp không thuận tiện cho việc buôn bán, đi lại của người dân. 
 
images1612416 coop mart
So với phương thức truyền thống, việc mua hàng tại siêu thị được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ có nhiều ưu điểm. 

Cạnh tranh gay gắt

Chợ truyền thống hiện nay vẫn chiếm đến 70% thị phần bán lẻ. Tuy nhiên, hiện các kênh bán lẻ này đang bị “đe dọa” bởi sự xuất hiện hàng loạt của các thương hiệu bán lẻ hiện đại trong và ngoài nước như Lotte Mart, Co.op Mart, VinMart+… với hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… len lỏi vào các khu dân cư tại thành thị và ở cả khu vực nông thôn. 

Tại chợ Rạch Dừa (TP. Vũng Tàu), hàng loạt "đại gia" bán lẻ mở các cửa hàng "bao vây" chợ. Xung quanh 4 mặt chợ có đến 2 siêu thị của VinMart+, cách đó khoảng 200m ra đường 30/4 là cửa hàng Co.op Food, còn từ chợ hướng về đường Bình Giã hơn 500m có thêm 1 cửa hàng Bách Hóa Xanh và 1 cửa hàng VinMart+. Tại các hệ thống bán lẻ này, việc quảng cáo, khuyến mãi, giảm giá sản phẩm liên tục được doanh nghiệp đưa ra. Người dân được mua sắm trong không gian mát mẻ, sạch sẽ và được nhân viên phục vụ tận tình. Trong khi đó, người dân ngại vào chợ mua sắm vì sợ lầy lội, nóng bức. Chưa kể sản phẩm bày bán cũng khó kiểm tra được vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ, giá cả hàng hóa. 

Theo đại diện của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh dù mới có mặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2019 nhưng đã gia tăng nhanh chóng về số lượng tại nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có các huyện nông thôn. Xu hướng mở các cửa hàng Bách Hóa Xanh tập trung vào các khu vực đông dân cư, có nhu cầu mua sắm lớn, trong đó có các địa điểm gần các khu chợ, xung quanh các chợ. 

Sự phát triển mạng lưới các cửa hàng tiện lợi khiến sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ, cửa hàng bán lẻ truyền thống giảm. Trong đó, những mặt hàng về thực phẩm, hóa mỹ phẩm... bị tác động nhiều nhất, sức mua giảm khoảng 30-40% so với trước đây. Chị Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương kinh doanh hóa mỹ phẩm tại chợ Vũng Tàu cho biết: "Từ hơn 1 năm nay, doanh thu của cửa hàng tôi giảm mạnh do chia sẻ lượng khách mua hàng với chuỗi các cửa hàng tiện lợi như VinMart+, Co.op Food và mới nhất là Bách Hóa Xanh đang ngày càng phát triển. Để tăng doanh thu và giữ chân khách hàng quen, tôi cũng đã chủ động thay đổi cách trưng bày tại cửa tiệm sao cho gọn gàng, đẹp mắt hơn".
 
Theo Sở Công thương Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh hiện có 88 chợ trong quy hoạch, trong đó có 25 chợ thành thị và 63 chợ nông thôn. Hệ thống chợ được xem là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng nhất trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho người dân, nhất là khu vực nông thôn. Do đó, việc xây dựng chợ truyền thống hiện đại, văn minh; tổ chức, quản lý chuyên nghiệp, bảo đảm chất lượng hàng hóa; giữ nét truyền thống hài hòa với hiện đại nhằm phát triển kinh tế, du lịch đang là vấn đề mà các cơ quan chức năng cũng như địa phương quan tâm thực hiện.

Không chỉ cạnh tranh với các cửa hàng bán lẻ hiện đại, chợ truyền thống còn phải gồng mình cạnh tranh với các chợ cóc bủa vây tứ phía. Những con đường quanh chợ bị người bán vô tư lấn chiếm để buôn bán, gây cản trở giao thông và khiến nhiều bà con tiểu thương buôn bán cùng nhóm hàng trong nhà lồng chợ không bán được. Điều này càng khiến cho tình hình kinh doanh tại chợ truyền thống ngày càng đìu hiu.

Theo Ban Quản lý các Chợ, tình trạng chợ cóc, chợ tạm là tình trạng chung của nhiều chợ hiện nay và chưa thể xử lý dứt điểm được. Theo ông Phan Thiên Khiêm, Trưởng Ban Quản lý Chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức), dù biết các sạp bán xung quanh chợ sẽ gây khó khăn cho việc kinh doanh của tiểu thương trong chợ nhưng Ban quản lý cũng không thể xử lý vì không nằm trong phạm vi chợ. Cơ quan chức năng cũng thường xuyên ra quân xử lý tình trạng bán hàng rong, chợ cóc, chợ tạm này nhưng chưa toàn diện. 

Nguồn tin: baobariavungtau.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây