Các hệ thống phân phối lớn trên cả nước cho biết sẵn sàng hỗ trợ "giải cứu" nông sản cho doanh nghiệp, người nông dân, nhưng khi liên hệ để nhận hàng thì tại các địa phương không cung ứng đủ hoặc nhỏ giọt.
Bộ Công Thương vừa có buổi làm việc với các Sở Công Thương, các doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn trên cả nước để "giải cứu" nông sản trong bối cảnh dịch virus Covid - 19 diễn biến phức tạp. Chủ trì buổi làm việc, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu bị gián đoạn, việc đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa là giải pháp hữu hiệu.
Nông sản tồn đọng lớn
Đại diện Sở Công Thương các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Bình Thuận, Sơn La, Bắc Giang đã báo cáo sản lượng các mặt hàng nông sản phổ biến như dưa hấu, thanh long, chuối, khoai, chôm chôm, xoài hiện đang gặp khó trong việc xuất khẩu.
Điển như ở Đồng Tháp, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết các sản phẩm nông sản của địa phương này tập trung xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, nếu tình hình dịch virus corona diễn biến phức tạp thì sẽ ảnh hưởng lớn. Theo ông Dũng, sản phẩm chủ lực là xoài với sản lượng khoảng hơn 90 ngàn tấn, khoảng 1 tháng nữa sẽ thu hoạch, với tình hình hiện nay thì sẽ rất gay go. Bên cạnh đó, khoai lang với sản lượng gần 11 ngàn tấn cũng có nguy cơ bị tồn đọng.
Tại Bình Thuận, ông Hà Lê Thanh Chung, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết trong tháng 2 và tháng 3, Bình Thuận dự kiến thu hoạch hơn 96 ngàn tấn thanh long, nhưng dịch virus Covid - 19 đang gây khó cho việc xuất khẩu. Trước tình hình đó, địa phương này đã làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để thu mua, bảo quản trong kho lạnh, tìm hướng xuất khẩu và kết nối với các hệ thống siêu thị để tiêu thụ trong nước.
Mặc dù chưa bị ảnh hưởng nhiều trong thời điểm hiện tại, nhưng Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang lo ngại nếu dịch không được kiểm soát ở Trung Quốc thì sẽ ảnh hưởng lớn đến mặt hàng vải thiều của địa phương này. Theo đại diện Sở Công Thương Bắc Giang, hàng năm thị trường Trung Quốc tiêu thụ từ 45-60% sản lượng vải thiều của địa phương này. "Vụ mùa của vải thiều bắt đầu từ cuối tháng 5, do đó tỉnh mong muốn sự quan tâm của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề tìm hướng cho đầu ra, trong đó có thị trường Nhật Bản"- đại diện Sở Công Thương Bắc Giang kiến nghị.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng bày tỏ lo ngại với mặt hàng chủ lực của Bắc Giang trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Theo ông Hải, vải thiều sản phẩm đặc thù, từ lúc chín đến tiêu thụ chỉ tính theo tuần, trong khi thị trường chủ yếu là Trung Quốc, phụ thuộc rất lớn. "Địa phương cần sớm kết nối, phải phối hợp tiêu thụ mặt hàng này ở thị trường nội địa. Đối với các thị trường khác thì phải có phương án, không phải muốn là xuất đi liền được"- ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Cung ứng không đủ hàng cho siêu thị
Trước những khó khăn của xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các mặt hàng dưa hấu, thanh long, các doanh nghiệp phân phối như Big C, Vinmart, Co.op mart, Aeon mall đều cam kết hỗ trợ, "giải cứu" giúp người nông dân. Đại diện hệ thống siêu thị Big C và Go cho biết từ ngày 5-2 đến nay, trung bình mỗi ngày toàn hệ thống tiêu thụ khoảng 100 tấn dưa hấu, gấp 10 lần bán ngày thường; 70 tấn thanh long.
Tuy nhiên đại diện Big C cho biết, một số địa phương cung ứng không đủ hàng cho siêu thị bán, đặc biệt là sản phẩm thanh long. "Chúng tôi đề nghị các tỉnh cần thông tin cụ thể với siêu thị về việc cần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nào, sản lượng bao nhiêu, để chúng tôi có phương án bán hàng phù hợp. Một số ngày cao điểm tiêu thụ tốt, nhưng khi chúng tôi liên hệ với nhà cung ứng thì họ cung cấp không kịp"- đại diện Big C nêu thực tế.
Tình trạng cung cấp không đủ hàng cũng được bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp VINCOMMERCE (chuỗi siêu thị Vinmart), phản ánh. Theo bà Thủy, hệ thống siêu thị hỗ trợ tối đa để tiêu thụ nông sản giúp bà con các địa phương, nhưng khi liên hệ với các địa phương thì lại không đủ hàng.
"Đơn cử như mặt hàng dưa hấu, khi chúng tôi có nhu cầu, thì các địa phương giao hàng kiểu nhỏ giọt cho hệ thống siêu thị. Đề nghị các tỉnh cần có cam kết về cung cầu"- bà Thủy nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện đơn vị bán lẻ Aeon Việt Nam lại cho biết có thông tin không cần "giải cứu" nông sản nữa. Theo đơn vị này, những ngày gần đây đã xuất hiện thông tin này, thậm chí khi siêu thị liên hệ thì các nhà cung cấp cũng không cung cấp nữa.
Phía Aeon Việt Nam cho rằng, dù là "giải cứu" nhưng phía nhà cung ứng, người dân cũng phải mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt, tránh tâm lý của người tiêu dùng là sản phẩm "giải cứu" là kém chất lượng.
Trước việc một số hệ thống phân phối nói rằng có thông tin không cần "giải cứu" nông sản nữa, trao đổi bên lề cuộc họp, ông Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang, cho biết, trên thực tế vẫn rất cần sự hỗ trợ của các hệ thống phân phối. Sở dĩ có thông tin không cần "giải cứu", ông Tuấn cho rằng cho các hợp tác xã, các doanh nghiệp tại địa phương chưa cung cấp kịp hàng cho siêu thị.
"Không phải sản phẩm nào cũng đưa vào siêu thị được, mà phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, ở đây có vấn đề về năng lực cung ứng"- ông Tuấn nhìn nhận. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong thời điểm này là rất cần thiết.
Ông Hải lưu ý các địa phương cần hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân cam kết về số lượng cung cầu với các hệ thống siêu thị, để đảm bảo đủ hàng hóa. Đồng thời có phương án bảo quản, chế biến các nông sản có sản lượng lớn sắp thu hoạch.