Để tránh bị thua lỗ do đang trong vụ thu hoạch, nhiều nhà vườn, doanh nghiệp trồng thanh long tại phía Nam đã chủ động thúc đẩy tiêu thụ nội địa bằng cách đưa nông phẩm này về các chợ, siêu thị tại thị trường TP. Hồ Chí Minh.
Mới đây phía cơ quan chức năng của Trung Quốc thông báo lùi thời hạn mở cửa khẩu vào cuối tháng 2/2020, thay cho dự kiến ban đầu là ngày 10/2/2020 bởi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona vẫn còn diễn biến phức tạp, đã khiến nhiều chủ doanh nghiệp, hộ sản xuất thanh long ở phía Nam đứng ngồi không yên. Để tránh bị thua lỗ, nhiều doanh nghiệp, nhà vườn đã “tức tốc” vận chuyển nông sản này đưa về tiêu thụ tại các chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều nhà vườn tại tỉnh Tiền Giang, Long An chia sẻ, do vào vụ thu hoạch, không thể để thanh long quá lâu nên nhà vườn đành thuê xe chở lên TP. Hồ Chí Minh để bán. Ghi nhận của Ban quản lý chợ Bình Điền cho biết, từ thời điểm thanh long Việt Nam không thể xuất sang Trung Quốc thì loại quả này nhập vào chợ mỗi ngày đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, thông thường thì mỗi ngày chợ Bình Điền chỉ nhập từ 25 -30 tấn thanh long, tuy nhiên những ngày qua lượng hàng nhập chợ tăng lên từ 60 - 70 tấn hàng/ngày.
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lượng thanh long nhập chợ cũng tăng lên hơn gấp đôi trong những ngày qua, với khoảng 70 tấn thanh long mỗi ngày.
Các Ban quản lý chợ cho biết, giá thanh long bán tại chợ đầu mối dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, và đa số là từ các tỉnh khu vực Tây Nam bộ chở lên.
Không chỉ ở các chợ, tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra… của Saigon Co.op cũng đang tích cực thu mua thanh long của các nhà vườn, hợp tác xã khu vực Tây Nam bộ để đưa vào bán hàng không lợi nhuận. Nhà bán lẻ này cho biết, giá thu mua tại nguồn được Saigon Co.op trả cho nhà vườn cao hơn thương lái nhưng cam kết bán cho người tiêu dùng rẻ để kích cầu. Hiện Saigon Co.op bán thanh long ruột trắng và ruột đỏ từ 4.800 - 9.900 đồng/kg, tùy theo khu vực địa lý của siêu thị.
Theo ghi nhận, không chỉ ở khu vực Tây Nam bộ mà tại Bình Thuận, nhiều chủ doanh nghiệp cũng gấp rút đưa thanh long vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ nhằm tránh lỗ. Nguyên nhân là do Bình Thuận có diện tích hơn 30.000ha, mỗi năm cho sản lượng trái khoảng 500.000 tấn, chủ yếu vẫn là xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, chiếm khoảng 70%.
Theo Sở Công Thương tỉnh này, ngoài tiểu ngạch thì số còn lại được các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu chính ngạch ở một số thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan và tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona bùng phát ở Trung Quốc nên việc xuất khẩu thanh long bị ùn ứ, kéo theo giá sụt giảm mạnh, gây thiệt hại cho người trồng, doanh nghiệp.
Ông Châu Minh Chinh - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp R&T (Bình Thuận) - chia sẻ, hiện tại giá thanh long ruột đỏ được thương lái thu mua tại vườn chỉ khoảng 10 nghìn đồng/kg. Với giá này mỗi kg doanh nghiệp sẽ lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Không chấp nhận chịu lỗ, ông Chinh cho biết đã gom 10 tấn thanh long vừa mới thu hoạch để tức tốc vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh tìm cách tiêu thụ.
Theo ông Chinh, đa số thanh long đưa vào TP. Hồ Chí Minh được bán lẻ với giá khoảng 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư để cho mỗi kg khoảng 9.000 đồng nếu tính thêm phí vận chuyển thì với giá bán 12.000 đồng sẽ giúp doanh nghiệp hòa vốn.
Dự kiến, với tình hình này trong những ngày tới lượng thanh long đưa vào thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ nhiều hơn do bởi đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn của cả nước.