Kết nối cung - cầu, đưa sản phẩm hàng hóa vào các kênh phân phối là một trong những hoạt động được ngành Công Thương tích cực triển khai, tạo sức lan tỏa và hiệu quả cao.
Theo Bộ Công Thương, qua 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã có hơn 1.000 hội nghị kết nối cung - cầu của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã có hơn 50 hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa sản xuất trong nước cấp vùng, miền được tổ chức.
Là một địa phương tích cực trong các hoạt động kết nối cung - cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa địa phương, tỉnh Hà Nam đã thường xuyên tổ chức giao thương với các tỉnh, thành phố trên cả nước, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của vùng miền, tạo sự hợp tác tìm kiếm đối tác để mở rộng kênh phân phối.
Tại Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa tỉnh Hà Nam được tổ chức ngày 22/11, đại diện 15 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và gần 100 doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng Việt Nam đã tham gia, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Nhiều biên bản ghi nhớ kết nối cung - cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng hóa đã được ký kết nhằm tìm đầu ra ổn định cho hàng hóa địa phương.
Trước đó, Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2019 đã thu hút 400 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của 58 tỉnh, thành phố, 515 doanh nghiệp phân phối, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, bếp ăn tập thể... và 60 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố. Thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, nhiều nông sản thực phẩm của các địa phương đã được các đơn vị của Hà Nội hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu; được doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ, quảng bá đến người tiêu dùng Thủ đô. Năm 2019, nhiều tỉnh, thành phố có kết nối sản phẩm hàng hóa vào các kênh phân phối lớn tại Hà Nội đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng như Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Ninh Thuận...
Thông qua các sự kiện, hàng hóa đã được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển. người tiêu dùng được sử dụng hàng có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú. doanh nghiệp phân phối có nguồn hàng ổn định với đa dạng đặc sản vùng, miền thu hút khách hàng.