Hà Nội phát triển 3.800 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư

Thứ tư - 18/12/2019 22:09
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Nội đã phát triển được 75 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với gần 5.400ha; 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực với hơn 3.800 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, trong đó, có 81 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Hà Nội phát triển 3.800 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư
Ngày 18/12, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu dự Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng số lượng đàn gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn Hà Nội vẫn có sự phát triển đáng khích lệ. Trừ đàn lợn bị giảm khoảng 42% do bệnh dịch tả châu Phi, còn tổng đàn bò, gia cầm và thủy sản đều tăng, lần lượt ở mức 1,3%; 14,3% và 8,17% so với năm 2018. Trong khi, sản lượng trứng gia cầm cũng đạt trên 2 tỷ quả, tăng 20%.

Tính chung, sản xuất nông nghiệp của Thành phố đã đáp ứng 60% nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô. Trong đó, tỷ trọng ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chiếm trên 54% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên canh, tập trung, phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng sinh thái.

Hà Nội đã phát triển được 75 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với gần 5.400ha; 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa; 19 xã chăn nuôi bò thịt; 29 xã chăn nuôi gia cầm. Đồng thời, Hà Nội đã phát triển hơn 3.800 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, trong đó, có 81 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn triển khai tái cấu trúc phương thức sản xuất chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Hiện, thành phố Hà Nội cũng đã hình thành 52 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi với 3.000 hộ chăn nuôi và hàng nghìn chủ thể sản xuất và dịch vụ tham gia; mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 60 tấn thịt, 300.000 quả trứng và 78 tấn sữa.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tái cấu trúc ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của Hà Nội vẫn còn gặp khó khăn do Luật Chăn nuôi đã được ban hành nhưng chưa có hiệu lực; Luật nuôi trồng thủy sản đã được ban hành nhưng một số quy định còn vướng mắc và hướng dẫn cụ thể hơn. Mặt khác, bệnh dịch tả lợn Châu Phi do không có vắc xin, không thuốc đặc trị nên khó kiểm soát, nguy cơ tái dịch cao; chăn nuôi vẫn tự phát còn cao; vùng nuôi nuôi trồng thủy sản tập trung chưa được đầu tư…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các đơn vị, địa phương cần xác định hướng đặt ra đối với ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản TP Hà Nội trong thời gian tới là giảm phương thức sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế chăn nuôi thương phẩm. Xây dựng, phát triển sản phẩm chăn nuôi theo hướng áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, vùng chuyên canh tập trung gắn với phát triển nông thôn mới của thành phố. Tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư ứng dụng công nghệ cao.
 
78da2459d4193d476408

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trao tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu tập trung chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống là chính để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, thu hút các tỉnh, thành lân cận phát triển gia súc gia cầm thương phẩm cung cấp cho Hà Nội; tập trung nuôi bò thịt theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm, phát triển nuôi gà thả vườn; phát huy lợi thế sản xuất mở rộng các sản phẩm bản địa, đặc sản vùng miền (gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình...)

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho rằng, cần phải tiếp tục mở rộng để chăn nuôi có hiệu quả, chú ý phát triển chăn nuôi lợn, nâng cao số lượng và chất lượng, đi cùng với đó phải kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh; tạo chuỗi liên kết thụ sản phẩm nhằm kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, cácc khâu từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ cung cấp cho người tiêu dùng phải đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây