Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội vừa rà soát công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Thủ đô.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã thiết lập được cơ sở dữ liệu quản trị cho 3.068 cho các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông sản an toàn. Trong đó, đã hoàn thiện thủ tục quản lý và tập hợp hồ sơ đăng ký tham gia hệ thống và cấp mã QR code minh bạch thông tin cho 6.949 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản đủ các tiêu chí về ATTP lên hn.check.net.vn để sử dụng cùng một bộ mã truy xuất chung khi lưu thông trong chuỗi cung ứng.
Đến nay, 80,5% các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành đã sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc. Hệ thống đang được mở rộng đối với cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng trồng cây chủ lực của thành phố và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất an toàn với Hà Nội. Tiếp tục bàn giao tài khoản quản trị cấp huyện cho các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng và thị xã Sơn Tây. Đặc biệt, huyện Mỹ Đức cũng đã đưa toàn bộ sản lượng rau sắng của 70 hộ gia đình sản xuất rau sắng trên diện tích gần 50ha thuộc xã Hương Sơn tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc, lập chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ và bán các sản phẩm tại 4 điểm truy xuất nguồn gốc để quản lý thương hiệu tập thể “Rau sắng Chùa Hương”.
Cùng với đó, trên địa bàn thành phố đã triển khai thí điểm áp dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản tại 2 chợ đầu mối là Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối Phía Nam và Chợ đầu mối nông sản Minh Khai. Bước đầu đã xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý các hộ kinh doanh tại 2 chợ này trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản của thành phố, từng bước hỗ trợ, hướng dẫn các hộ kinh doanh tại chợ hoàn thiện hồ sơ để cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các sản phẩm kinh doanh tại chợ. Đồng thời, thành phố tiến hành thí điểm thiết lập Hệ thống theo dõi luồng di chuyển của sản phẩm cho 5 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn trên nền tảng của Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản chung của thành phố.
Đáng chú ý, tại các tỉnh, thành phố đã có 35 tỉnh có sản phẩm tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản trên địa bàn TP Hà Nội cho các sản phẩm đặc sản, vùng sản xuất lớn sản phẩm nông sản, như: Vùng sản xuất vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương; rau, hoa, quả của tỉnh Vĩnh Phúc; cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình; cam Phổ Yên (tỉnh Hưng Yên); gạo tám thơm Hải hậu (tỉnh Nam Định)...