Việt Nam: Đón sóng kích cầu tiêu dùng

Chủ nhật - 31/05/2020 21:24
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thu nhập của nhiều hộ gia đình, cá nhân sụt giảm, thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng để duy trì chi tiêu như bình thường. Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đạt khoảng 8,3 triệu tỉ đồng, tương đương 134% GDP, trong đó cho vay doanh nghiệp chiếm 55%, cho vay cá nhân chiếm 45%. Có thể thấy, một lượng vốn lớn là dành cho cá nhân, hộ gia đình. Một làn sóng kích cầu tiêu dùng mới đang xuất hiện, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỉ đồng cuối năm 2019.
Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỉ đồng cuối năm 2019.

Vẫn còn 1,5-2 triệu tỉ đồng cho vay
Báo cáo tài chính của nhiều công ty tài chính tiêu dùng cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng quý I/2020 của nhiều công ty vẫn khá khả quan so với bức tranh chung của ngành ngân hàng, song tốc độ tăng trưởng không cao như trước. Chẳng hạn, HD SAISON cho biết, dư nợ 3 tháng đầu năm tăng  4,9%, cao hơn kế hoạch đề ra. Dư nợ cho vay tiêu dùng của Mcredit tính đến cuối quý I là trên 10.000 tỉ đồng, tăng mạnh so với dư nợ gần 9.000 tỉ đồng cuối năm ngoái. Đối với FE Credit, dư nợ cho vay đạt gần 61.600 tỉ đồng, tăng 16% so với quý I/2019; lợi nhuận trước thuế đạt 918 tỉ đồng, tăng 20% so với quý I/2019.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỉ đồng). Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỉ đồng cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ, ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức.
 

TIEU DUNG 2

Dù dịch bệnh ảnh hưởng nhất định đến thị trường tài chính tiêu dùng, song dư địa tăng trưởng của thị trường còn rất lớn. Hiện dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 11,4% tổng dư nợ nền kinh tế, trong khi tại nhiều quốc gia, con số này là 40%.

Như vậy, dư địa để phát triển tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn khoảng 1,5-2 triệu tỉ đồng và còn tăng theo mức tăng của tổng tín dụng nền kinh tế.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, tính cả cho vay mua nhà, sửa nhà, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ, còn nếu bóc tách ra tín dụng bất động sản nhà ở thì cho vay tiêu dùng chỉ khoảng 12% tổng dư nợ, thấp hơn mức trung bình và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (21%). “Dự báo tín dụng sẽ tăng trở lại, đến hết quý II sẽ đạt khoảng 3,5-4%. Đến hết năm 2020 kỳ vọng tăng trưởng tín dụng ở mức 9-10%. Nếu đạt được, đây sẽ là mức tăng trưởng tín dụng khá cao trong khu vực”, Tiến sĩ Lực nhận định.

Tìm thêm vốn ngoại
Tín dụng tiêu dùng tăng góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng trưởng kinh tế. Kinh tế phục hồi cũng là cơ hội để các công ty tài chính tiêu dùng lấy lại tốc độ tăng trưởng như những năm trước đây. Thực tế, lĩnh vực cho vay tiêu dùng Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi có tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm lên đến 30%.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, dư nợ của các công ty tài chính chỉ chiếm 7,7%. Tuy nhiên, khối công ty này có sản phẩm, dịch vụ tài chính tiêu dùng tương đối đa dạng, bao phủ phần lớn nhu cầu tiêu dùng, từ cho vay tiền mặt, mua đồ gia dụng, thiết bị điện tử, mua xe máy đến thẻ tập thể dục, học ngoại ngữ, tiệc cưới, hay du lịch, thậm chí phát hành thẻ tín dụng...

Thời gian qua, nhiều tập đoàn tài chính nước ngoài đã sở hữu công ty tài chính tiêu dùng của Việt Nam, như Shinhan Card, Lotte Card,  Hyundai Card, Shinsei Bank... Mới đây, Ngân hàng MSB đã đàm phán xong với đối tác và đang chờ chấp thuận hồ sơ chuyển nhượng  vốn điều lệ của Công ty Tài chính FCCOM cho Công ty Hyundai Card. Trước đó, SHB cũng cho biết sẽ thoái vốn tại SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài.

 

TIEU DUNG 3

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, do thu nhập sụt giảm, thậm chí là mất việc làm, nhiều cá nhân vay tiêu dùng mất khả năng thanh toán và có nguy cơ rơi vào nợ xấu. Do vậy, các công ty tài chính tiêu dùng buộc phải trích lập dự phòng lớn và tung ra các gói hỗ trợ người vay được thực hiện từ quý II/2020. Đây cũng là lý do khiến Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm của 3 công ty tài gồm FE Credit, Home Credit Việt Nam, SHB Finance và 2 ngân hàng là VPBank (sở hữu FE Credit) và SHB (sở hữu SHB Finance).

Đáng chú ý, việc huy động vốn trong những năm qua rất khả quan do chất lượng hoạt động của các công ty tài chính tốt, nhưng bắt đầu gặp khó khăn từ cuối năm 2019. Vì vậy, để tăng năng lực về vốn, việc bán vốn cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài được xem là bước đi chiến lược nhằm tận dụng kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối hiện đại của những đối tác này.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, nếu có biện pháp kích cầu trong nước, bao gồm cả tiêu dùng nội địa, thì khả năng lĩnh vực cho vay tiêu dùng sẽ tăng trưởng nhanh hơn. Yếu tố này được hỗ trợ khi Việt Nam đang lạc quan với khả năng phòng chống dịch bệnh và khôi phục dần các hoạt động xã hội. Trước mắt, Chính phủ cũng cần tiếp tục các biện pháp kích cầu như giải ngân gói an sinh 62.000 tỉ đồng, đẩy mạnh đầu tư công (ước khoảng 700.000 tỉ đồng). Các công ty tài chính tiêu dùng nên đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với món nhỏ, lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ kéo dài hơn so với trước đây..

Nguồn tin: nhipcaudautu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây