Cứ mỗi dịp tháng 5 về, cả dân tộc Việt Nam lại bâng khuâng, xao xuyến nhớ về Bác, vị lãnh tụ vĩ đại vô cùng kính yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Chiều 19 tháng 5, bà Lê Thị Lan Anh - Phó Tổng giám đốc Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam đã cùng CLB BĐS Hà Nội hướng về Quảng trường Ba Đình, viếng thăm Lăng Bác.
Chiều qua, bà Lê Thị Lan Anh, Phó TGĐ Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký CLB Bất động sản Hà Nội, Hiệp hội BĐS Việt Nam - cùng Ban lãnh đạo CLB BĐS Hà Nội và các tổ chức, cá nhân, hội viên, thành viên đã dành thời gian để cùng nhau vào thắp hương cho Bác nhân ngày sinh nhật thứ 130 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020).
Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, hy sinh tất cả vì nước, vì dân với mục tiêu cao cả là đất nước được độc lập, tự do, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Một trong những điểm đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về vai trò kiến tạo của Nhà nước và vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế. Sinh thời, Bác rất quan tâm tới đội ngũ doanh nhân. Từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội, chuẩn bị cho ngày Quốc khánh, Bác ở nhà của một gia đình tư sản dân tộc - ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Và ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đã đi vào lịch sử. Tại đây, Bác đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập. Hai tuần sau ngày Quốc khánh, ngày 18/9/1945, trong tuần lễ vàng, giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch cũng lại là các nhà tư sản dân tộc - đại diện của giới Công thương gia Hà Nội.
Một tháng sau, ngày 13/10, nhân ngày giới doanh nhân thành lập Công thương Cứu quốc Đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã gửi thư động viên, cổ vũ. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò, sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân và trách nhiệm của Chính phủ nhân dân. Bác viết: “Trong khi các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng... Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công thương trong công cuộc kiến thiết này". Đây là quan điểm rất hiện đại về quản trị quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò giúp đỡ và kiến tạo. Còn giới công thương mới là lực lượng chủ thể làm nên nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng của quốc gia.
Quan điểm về nhà nước kiến tạo cũng được Bác nhắc lại trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong một phát biểu sau này, Bác bảo: “không phải Chính phủ xuất tiền ra để làm (kinh doanh), Chính phủ chỉ giúp khuyến khích và cổ động”. Bác khẳng định Chính phủ đóng vai trò tạo môi trường, làm chính sách, làm thể chế còn sự nghiệp kinh tế là sự nghiệp cách mạng của toàn dân. Với những tư tưởng vượt thời gian như vậy, có thể khẳng định rằng, Bác Hồ của chúng ta không chỉ là nhà yêu nước, nhà cách mạng mà còn là nhà kinh tế học về kinh tế thị trường. Tầm tư tưởng vượt thời gian của Bác về khát vọng Đất nước Hùng cường, về kinh tế thị trường, và vai trò và sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân, về yêu cầu cải cách thể chế và phát triển. Đó là ngọn đuốc soi đường, là niềm tin mãnh liệt, là điểm tựa vững chắc của Đảng ta, của Nhân dân ta trên chặng đường đi tới vì một Việt Nam Nước mạnh Dân giàu. Do đó, doanh nhân Việt Nam nguyện làm theo lời Bác, xứng đáng với danh hiệu “Anh Bộ đội Cụ Hồ” trên trận tuyến kinh tế, xây dựng “nền kinh tế quốc dân thịnh vượng” góp phần đưa Dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Hồ Chủ tịch.