Sau khi TP HCM ra chỉ thị ngưng hoạt động các chợ tự phát từ 20/6, riêng các chợ truyền thống ở quận huyện áp dụng biện pháp giãn cách để đảm bảo an toàn thì lượng lớn người tiêu dùng nhanh chóng chuyển sang mua sắm tại siêu thị và trên các ứng dụng online của siêu thị.
"Hiện các chợ tự phát ở chỗ tôi đã bị dẹp sau lệnh của Thành phố, trong khi chợ truyền thống bị lực lượng chức năng rào chắn và chỉ cho người đi bộ vào mua với số lượng người theo quy định", chị Hạnh, ở đường Lê Đức Thọ, Gò Vấp nói và cho biết với tình hình này, chị cũng như nhiều người thân chọn phương án chuyển sang mua hàng tại các siêu thị. "Thay vì mua ăn trong ngày, nay tôi vào siêu thị mua cùng lúc nhiều thực phẩm để dùng dần trong 2 tuần", chị Hạnh nói.
Cũng chọn siêu thị là nơi mua sắm, nhưng chị Loan (Gò Vấp) cho biết mua theo hình thức online của hệ thống siêu thị chứ không đến tận nơi. "Tôi đặt mua từ rau xanh cho tới cá thịt. Giá cả cũng khá hợp lý mà đỡ phải tốn công đi lại trong lúc dịch bệnh phức tạp", chị Loan nói.
Ngày 22/6 tại các siêu thị ở TP HCM cho thấy sức mua ở đây tăng mạnh. Các quầy thịt cá, rau củ quả, đồ khô...đều ghi nhận lượng khách khá đông. Nhiều chuỗi lượng khách tăng 10-30% so với trước đó 2 ngày. Để đáp ứng việc phòng dịch, các siêu thị đều có sự điều tiết khách, mỗi nhóm 10-20 người vào mua.
Riêng các kênh online của siêu thị nhanh chóng ghi nhận mức tăng đột biến lên gấp nhiều lần so với trước đó.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, ngay sau khi các chợ tự phát bị ngưng hoạt động, lượng khách đến siêu thị này mua sắm hàng thiết yếu nhiều hơn. Trong đó, cá, thịt, trứng, rau, gạo, mì, sữa được mua với số lượng lớn. "Với các đơn hàng online cũng tăng đột biến nên siêu thị đã tăng cường thêm nhân viên giao hàng để phục vụ tốt nhu cầu cho khách", bà Vân nói.
Còn tại hệ thống Saigon Co.op, đại diện hệ thống này cho hay, chiều 21/6 lượng khách tại các siêu thị ở khu vực TP HCM tăng khoảng 20-30% tuỳ quận so với trước đó. Tuy nhiên, giá trị hóa đơn ở mức trung bình chứ không xảy ra tình trạng gom hàng đột biến. Riêng các siêu thị Co.opmart, Co.op Food khu vực quận 6 ghi nhận tăng hơn 30% so với ngày thường. Cùng với lượng khách mua trực tiếp, khách đặt hàng qua điện thoại, online tại các hệ thống đã tăng gấp 3 lần so với ngày trước đó.
Tại hệ thống Vincommerce, sức mua hàng online cũng tăng mạnh trên toàn hệ thống, đặc biệt là tại TP HCM. Dịch vụ đi chợ hộ tăng 114%, đặt hàng qua App VinID tăng 526%, qua website VinMart tăng hơn 1.200%, qua Lazada tăng gần 680% trong tuần vừa qua.
Để đáp ứng đủ nhu cầu của khách mua hàng, hầu hết siêu thị cho biết đều tăng lượng hàng dự trữ, đồng thời tăng cường nhân viên để giám sát hàng hóa. Tại hệ thống siêu thị của Central Retail, nhà cung cấp đã chủ động tăng 50-60% lượng hàng trong những ngày qua và thời gian tới.
Trong khi đó, tại chuỗi của Saigon Co.op, ngoài tăng nguồn hàng, siêu thị này còn bố trí nhiều ghế giữ khoảng cách cho khách ngồi chờ và điều tiết mỗi nhóm trung bình 10-20 khách lần lượt vào siêu thị mua sắm để tránh tình trạng chen chúc gây phức tạp dịch bệnh.
Nguồn tin: Tổng hợp;
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023