Trong buổi lễ khởi công tác phẩm nghệ thuật “Cây Gậy Thần” (Chử Đồng Tử - Tiên Dung) sáng ngày 18/9 tại Rạp Xiếc Trung ương, 69 Trần Nhân Tông, Hà Nội, Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam đã cam kết tài trợ 200 vé xem ngay buổi công diễn đầu tiên. Đây là món quà ý nghĩa của Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam gửi tới bà con xã Dạ Trạch, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nơi ghi dấu tích Thánh Chử Đồng Tử, một trong Tứ Bất Tử Việt Nam. Điều này cũng là sự khích lệ đối với các nghệ sĩ của 2 đơn vị nghệ thuật thực hiện chương trình, là Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, mở đầu cho chuỗi các hoạt động phối hợp đồng hành của Liên Hiệp, để tác phẩm đến với đông đảo người dân nói chung, các tiểu thương trong hệ thống chợ truyền thống của Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam trên cả nước.
Cây gậy thần là tác phẩm đầu tiên trong dự án nghệ thuật “Huyền sử Việt”, gồm 4 tác phẩm ca ngợi công đức của 4 vị Thánh Tứ Bất Tử trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thủy của người dân Việt Nam, đó là Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên sơn Thánh và Thánh Gióng. Vở diễn với thời lượng 90 phút, được kết hợp tinh tế giữa 2 loại hình nghệ thuật: cải lương với hình thức Nhạc - Vũ - Kịch dân tộc và Nghệ thuật Xiếc với các kỹ thuật trình diễn xiếc đặc sắc trong không gian sân khấu đa chiều. Phát biểu tại lễ Khởi công, Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam đã chia sẻ:"Dự án này thực sự là các nghệ sỹ rất tâm huyết. Làm sao sân khấu có một vở diễn phù hợp với thời đại ngày nay. Anh em nghệ sỹ dồn nhiều tâm sức, ý tưởng cho vở diễn. Nhiều người thấy việc kết hợp cải lương và xiếc có nhiều thách thức. Hiện nay, xiếc trên thế giới có tính quốc tế lớn. Không cần giọng nói mà chỉ cần kỹ năng, kỹ xảo và tài năng con người mang đến cho khán giả cảm xúc. Chúng tôi dùng ngôn ngữ của hai loại hình nghệ thuật. Cái tinh nhất của cải lương và xiếc đưa vào để minh họa cốt truyện để tạo ra một trường cảm xúc mang tính hấp dẫn và tính giải trí cao".
Huyền sử Việt tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng là một sáng tạo mang nhiều yếu tố cách tân nhằm thu hút đông đảo hơn nữa khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn. Đó cũng chính là lý do Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam quyết định tham gia đồng hành, tài trợ cho tác phẩm “Cây gậy thần”, để những giá trị truyền thống vô giá sẽ được bảo tồn, kế thừa, phát triển trong tâm thức của người dân Việt Nam. Với mong muốn đó, bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại buổi lễ Khởi công cho biết: “Nhắc đến đức thánh Chử Đồng Tử trước hết là câu chuyện tình yêu, một người thầy thuốc. Đặc biệt, với Liên hiệp Hợp tác xã chúng tôi coi Chử Đồng Tử - Tiên Dung là vị Tổ nghề. Thông qua buổi lễ khởi công này, xin cảm ơn Liên đoàn Xiếc Việt Nam và nhà hát Cải Lương Việt Nam đã cùng xây dựng một tác phẩm rất có ý nghĩa. Liên hiệp hợp tác xã Việt Nam sẽ đồng hành với hai đơn vị đưa vở diễn vào cuộc sống. Chúng tôi sẽ hỗ trợ 200 vé cho bà con thôn Dạ Trạch được lên thưởng thức tác phẩm rất đặc biệt này. Và sau nữa, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam của chúng tôi đã xuất hiện tại 58 tỉnh. Cũng mong muốn đưa tác phẩm đến với các tỉnh thành để tôn vinh vị Thánh tổ của nghề Thương mại, Chợ Việt Nam.”
Tác phẩm “Cây gậy thần” trong truyền thuyết Chử Đồng Tử gắn với biểu tượng của sự phồn thịnh, sung túc trong các hoạt động giao thương. Theo Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã ra biển mở mang việc thông thương buôn bán. Vì vậy, rất nhiều nơi thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung như là bậc Thánh của nghề buôn bán, nghề Chợ Việt Nam. Hướng về nguồn cội, vào ngày 17/11 âm lịch hàng năm, tập thể Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam đều đến Đền Hóa Dạ Trạch, thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, tôn vinh Đức Thánh Chử Đồng Tử là Thánh Tổ nghề Thương mại Việt Nam. Ngay trước ngày khởi công chuẩn bị cho chương trình phục dựng tác phẩm “Cây Gậy Thần” đại diện Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam cùng các nghệ sĩ và ban lãnh đạo Liên đoàn xiếc Việt Nam, Nhà hát cải lương Việt Nam đã kính cẩn dâng hương tại Đền Đa Hòa, xã Bình Minh và Đền Hóa Dạ Trạch, xã Dạ Trạch thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên đã thân mật tiếp đón đoàn các nghệ sĩ. Về phía Nhà hát Cải lương Việt Nam có Thạc sĩ, NSND Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nghệ sĩ ưu tú Trần Quang Khải, Trưởng đoàn 1 Nhà hát Cải lương Việt Nam, đại diện Liên đoàn Xiếc Việt Nam có NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam cùng các nghệ sĩ của 2 đơn vị. Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, ông Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên đã bày tỏ niềm vui và cho biết:"Hưng Yên rất vinh dự khi vở diễn về Chử Đồng Tử và Tiên Dung được Liên Đoàn Xiếc Việt Nam và nhà hát Cải lương Việt Nam phục dựng đầu tiên. Quan trọng hơn nữa là đặt hàng của bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch. Lần đầu tiên, Hưng Yên thấy việc thể hiện hình tượng một nhân vật có sự kết hợp cải lương và xiếc sẽ là một nét mới, thú vị. Chúng tôi mong muốn đây cũng là điều kiện để tuyên truyền quảng bá, tôn vinh hình ảnh của Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở trong và ngoài nước".
Tại Đền Đa Hòa, Thạc sĩ, NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đã chia sẻnhiều trăn trở với nghệ thuật biểu diễn và cho biết "Trong thời điểm này, nghệ thuật biểu diễn gặp muôn vàn khó khăn. Chính lúc này, Nhà hát Cải Lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam suy nghĩ sau Covid, chúng ta phải cống hiến cho khán giả điều gì? Chúng tôi đã ngồi bàn với nhau và lần đầu tiên loại hình Xiếc và Cải lương được kết hợp với nhau một cách toàn diện. Vở diễn nền sân khấu là cải lương, ca vũ nhạc cải lương và xen kẽ vào đó là các trò diễn của xiếc. Điều mong muốn lớn nhất là đưa khán giả trở lại với nghệ thuật biểu diễn. Tứ bất tử là biểu trưng của văn hóa tâm linh nguyên thủy của người Việt. Và dân chúng đã tôn lên là tứ bất tử. Và qua đây, chúng tôi đã lên dự án lớn là huyền sử Việt để làm một định hướng nghệ thuật. Với một khát vọng làm sao có một vở diễn thật sự tốt, xứng đáng với công đức của các vị thu hút được khán giả đến xem. Các nghệ sỹ mong muốn có được sự hỗ trợ của các tập thể, cá nhân để vở diễn thành công và có một đóng góp tích cực cho đời sống xã hội".
Trong bối cảnh nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khó tiếp cận khán giả bởi sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường, sự ra đời của tác phẩm “Cây gậy thần” với sức sáng tạo và tâm huyết của nhóm nghệ sĩ tài năng thật đáng trân trọng. Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam, đơn vị chuyên đầu tư kinh doanh phát triển chợ truyền thống, có nguyện vọng đồng hành cùng các nghệ sĩ trong quá trình xây dựng và công diễn tác phẩm “Cây gậy thần”, để cùng lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc đến với đông đảo khán giả, người dân, tiểu thương trên cả nước. Với mong muốn đó, ông Lê Quang Trung - Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam đã nhấn mạnh"Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam có chức năng củng cố, phục hồi hệ thống chợ Truyền thống của Việt Nam. Đây là chức năng vốn có, sứ mệnh của chúng tôi. Hàng năm Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam tổ chức các đoàn về dâng hương tại đền thờ Đa Hòa và đền Hóa Dạ Trạch. Mong trong lần công diễn tới đây, "Cây gậy thần” sẽ đánh thức được, hiểu hơn, rõ hơn về Thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Ở góc độ thương mại, chúng tôi mong muốn khai thác khía cạnh Thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung không chỉ về khía cạnh tâm linh, chữa bệnh, mà còn là khía cạnh về thương mại, ra khơi, thị trường, thể hiện tính đổi mới quyết liệt, hội nhập kinh tế quốc tế, có ý nghĩa sâu sắc của cả hiện tai và tương lai. Để mọi người và toàn xã hội nhận thức rõ hơn, sâu hơn và hướng tới sự phát triển cho kinh tế hiện nay. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong muốn đồng hành với hai đơn vị trong suốt quá trình triển khai vở diễn và sau này nhân lên nhiều hơn nữa".
“Cây gậy thần” là vở diễn nghệ thuật đầu tiên có sự kết hợp của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và nhà hát Cải lương Việt Nam. Vở diễn sẽ có nhiều phiên bản, sân khấu tròn, sân khấu hộp, hướng tới tới các đối tượng khán giả trong nước và quốc tế. “Chung tay hành động”, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam sẽ cùng Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải Lương Việt Nam đưa vở diễn đi vào cuộc sống, lan tỏa đến các vùng miền trên cả nước. Qua đó, tôn vinh Chử Đồng Tử và Tiên Dung là vị thánh tổ của nghề giao thương, nghề Chợ Việt Nam.
Một số hình ảnh tại lễ Khởi công vở diễn "Cây gậy thần":
Nguồn tin: Ban Truyền thông Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam