Một tháng nay, do dịch bệnh khiến việc đi chợ của gia đình bà Hạnh (quận 8, TP HCM) đã thay đổi. Ngoài một số loại thịt cá phải chính tay lựa chọn buổi sớm, bà Hạnh giao hết việc mua những nguyên liệu chế biến và nhu yếu phẩm khác cho hai con trai đặt qua tổng đài siêu thị, dịch vụ mua hàng hộ hoặc các trang mạng.
"Các con hạn chế tối đa việc để mẹ ra ngoài trong mùa dịch nên tôi cũng phải quen dần với việc lựa chọn hàng hóa trên điện thoại của hai đứa. Việc thanh toán và nhận hàng thì chúng làm hết", bà Hạnh, hơn 50 tuổi nói.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, Covid-19 không giúp thương mại điện tử phát triển. Tuy nhiên, đại dịch đã tạo ra cuộc tập dợt lớn cho một lượng đông đảo người tiêu dùng trước giờ không quan tâm mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử.
"Có nhóm người trước giờ cần gì là xách xe đến siêu thị thì nay ngại ra ngoài buộc họ phải mua online. Khi đã mua một lần, thanh toán trực tuyến thì họ thấy 'sướng' và một số sẽ không muốn quay lại cảnh muốn mua gì phải ra xếp hàng cách 2 m và đeo khẩu trang", ông Dũng nói.
Làm quen mua tạp hóa trực tuyến
Sữa, mì ăn liền, sữa đậu nành, nước soda và xúc xích heo là top 5 mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất trên GrabMart vào giữa tháng 4 vừa qua, tức giai đoạn cách ly xã hội vì Covid-19, theo thông tin Grab vừa công bố.
GrabMart - một hình thức đi siêu thị hộ được Grab triển khai từ ngày 23/3 xuất hiện đúng khi nhu cầu mua tạp hóa trực tuyến nảy sinh. Sau một tuần triển khai, số đơn hàng GrabMart tăng đến 91%. Và ngày 31/3 đạt số lượng đơn hàng cao nhất, ngay trước thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội.
Trong một chia sẻ gần đây, Shopee Việt Nam chỉ ra rằng "người dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến cho mọi nhu cầu hàng ngày" chính là một trong 4 xu hướng lớn của thương mại điện tử năm 2020.
Trên nền tảng này, tổng thời gian mua sắm trong một tuần của người Việt tăng hơn 25%, nhằm đáp ứng mọi nhu cầu hàng ngày từ sinh hoạt, làm việc đến giải trí tại nhà. Nhóm sản phẩm được ưa chuộng là nước tẩy trang, điện thoại thông minh, sữa, tã giấy, nồi và chảo. "Năm 2020 đã thay đổi cách sống, làm việc và mua sắm trực tuyến", ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam nhận xét.
Dữ liệu 3 tháng đầu năm về thị trường thương mại điện tử Việt Nam của iPrice cũng cho biết những mặt hàng nhu yếu phẩm, tạp hóa, vốn không phải là ngành chủ lực đã tăng trưởng nóng.
Riêng tháng 3, lượng truy cập vào website của Bách Hóa Xanh (MWG) tăng 49% so với quý 4/2019. "Trong thời gian giãn cách xã hội, người tiêu dùng đã có vài thói quen mới mà trước đây nhiều doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để định hướng. Các thói quen này có thể được giữ lại cả sau đại dịch", ông Trương Văn Quý, CEO của EQVN, chuyên gia về marketing, nhận định. Theo ông Quý, việc mua sắm hàng tiêu dùng online là ví dụ.
Chuyển dịch thời gian và cách thanh toán
Thói quen mua sắm trực tiếp khiến những ngày cuối tuần thường là lựa chọn phổ biến để các gia đình tiêu tiền và giải trí. Tuy nhiên, vì dần quen với mua sắm trực tuyến nên thói quen trên của nhiều người thay đổi.
Shopee cho biết, trong vài tháng gần đây, hoạt động mua sắm trực tuyến trên nền tảng này diễn ra sôi nổi nhất vào thứ 4 và thứ 6, cho thấy người tiêu dùng Việt có thói quen hoàn thành việc mua sắm trước các ngày cuối tuần. Thói quen mua hàng phần lớn diễn ra lúc 12h và 21h, tức người dùng tranh thủ vào lúc nghỉ trưa hoặc trước khi ngủ.
Grab thì cho biết, người dùng có xu hướng đặt hàng trên GrabMart nhiều hơn vào giữa tuần và cuối tuần. Cụ thể, hệ thống Grab thường xuyên ghi nhận số lượng đơn hàng tăng đột biến vào lúc 16h chiều thứ 3, lúc 10h sáng và 15h chiều thứ 7. "Đây có thể là những thời điểm người dùng bổ sung thực phẩm giữa tuần hoặc chuẩn bị nấu nướng cuối tuần cho gia đình và dự trữ thực phẩm cho tuần kế tiếp", công ty nhận định.
Vì Covid-19, thanh toán không tiền mặt dần phổ biến hơn vì người mua ưu tiên cho sự nhanh chóng và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp. Shopee xác nhận khách của họ thanh toán không tiền mặt nhiều hơn, điển hình như sử dụng ví AirPay, trong những tháng gần đây.
Còn theo dữ liệu của Moca, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên Grab vào tháng 3 tăng đến 22,5% so với tháng trước đó. Trong mùa dịch, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%. Riêng với dịch vụ GrabMart, tỉ lệ này chiếm đến 70%.
Doanh nghiệp trước thời cơ mới
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, trong mùa dịch, doanh nghiệp nếu không áp dụng thương mại điện tử từ sớm thì sẽ bị bỏ lại đằng sau so với các doanh nghiệp đã có chuẩn bị. Những doanh nghiệp đã chuẩn bị nhưng trước đó chưa sẵn sàng thì nhân cơ hội Covid-19 mà bật lên.
Ông Nguyễn Minh Đức, CEO của IM Group dẫn thông tin thống kê từ Google cho biết, lượt tìm kiếm mua hàng trên mạng tại Việt Nam đã tăng đến 40% trong tháng trước. "Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức", ông Đức nói.
Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc Tiki cho rằng, cơ hội là doanh nghiệp có thể tận dụng kênh trực tuyến nhưng thách thức là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp 2 vấn đề lớn khi tiếp cận. Thứ nhất là thông tin. Thứ hai là doanh nghiệp không có đủ nguồn lực về hạ tầng và kiến thức.
Khảo sát gần đây được thực hiện bởi đội ngũ Sàn Giao dịch tại Tiki cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường khá e dè trong việc mở rộng kênh phân phối trên các sàn thương mại điện tử, xuất phát từ 3 "nỗi sợ": sợ không bán được hàng, sợ không thể quản lý, sợ "tiền mất tật mang".
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, thương mại điện tử đang phân bổ khoảng 70% tại Hà Nội và TP HCM, 30% thuộc 61 tỉnh thành còn lại. Do đó, VECOM đang cùng Tiki và IM Group triển khai dự án hỗ trợ 500.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử bền vững. "Chúng tôi sẽ cùng phấn đấu để cân bằng tỷ lệ Hà Nội và TP. HCM chiếm 50%, toàn bộ các tỉnh thành còn lại đạt 50% vào năm 2025", ông Dũng nói.
Trong dự án này, Tiki và IM Group sẽ tổ chức các khóa đào tạo về kinh doanh trực tuyến. Ngay trong tháng 6, dự án sẽ được thực hiện tại 15 tỉnh thành. Riêng Tiki tuyên bố tung gói hỗ trợ 200 tỷ đồng cho 20.000 doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh trên sàn này.
Nguồn tin: Vnexpress.net
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023