Trong 2 ngày 10-11/11, tại Thủ đô Vientiane (Lào) diễn ra Lễ hội Thạt Luổng-lễ hội Phật giáo lớn nhất trong văn hóa và tín ngưỡng của người Lào.
Đây là dịp người dân trên khắp nước Lào tề tựu về Thủ đô Vientiane dâng hương hoa bày tỏ lòng thành kính đối với đức Phật, cầu mong đất nước thanh bình, nhà nhà ấm no hạnh phúc, đồng thời tưởng nhớ vị Hoàng đế Setthathilath, người có công trùng tu Thạt Luổng uy nghi, hoành tráng như hôm nay.
Thạt Luổng theo tiếng Lào là Tháp lớn. Tương truyền, Thạt Luổng được xây dựng từ năm 307 trước Công nguyên và là nơi lưu giữ xá lị đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đến thế kỷ 16, Hoàng đế Setthathilath quyết định dời kinh đô từ Luongphabang, Bắc Lào về Vientiane và gây dựng nên Vương quốc Triệu Voi hùng mạnh của nhân dân các dân tộc Lào.
Hoàng đế Setthathilath được tôn sùng là người đức độ và tài năng. Công lao của ông được lưu truyền trong dân gian cũng như sử sách của Lào trải qua nhiều thế kỷ cho đến ngày nay.
Thạt Luổng có bệ hình vuông, mỗi cạnh dài 69m, xung quanh được trang trí bởi 332 hình lá bồ đề. Tháp chính có chiều cao 45m, ngoài ra, bao quanh là 30 tháp nhỏ, tượng trưng cho 30 năm tu hành của đức Phật Thích Ca. Trên mỗi tháp có chữ viết Lào cổ, Bali, Sanskrit, nội dung nói về các lời răn của Phật đối với phật tử và chúng sinh.
Lễ hội Thạt Luổng là lễ hội lớn nhất và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống và văn hóa và tín ngưỡng của người dân Lào. Lễ hội thường kéo dài khoảng một tuần và kết thúc đúng vào đêm rằm tháng 12 theo Phật lịch. Chiều 10/11, Nhà nước Lào và đông đảo tăng ni, phật tử tổ chức rước Phasatphong (mô hình tháp Thạt luổng) từ chùa Mẹ Simuong tiến vào Thạt Luổng để dâng hương và làm lễ tế. Đi đầu đoàn rước là các tăng ni, tiếp đến là đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đông đảo quần chúng nhân dân và du khách thập phương.
Một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Thạt Luổng là nghi lễ Tắc bạt để phật tử dâng lễ cho các nhà sư. Tại Quảng trường Thạt Luổng, bàn được kê thành hàng dài, trên có các khay nhỏ để người dân dâng bánh kẹo, hoa quả và xôi cho các nhà sư, thể hiện lòng thành kính của người dân đối với Đức phật cũng như các nhà sư.
Trong những ngày này tại khuôn viên lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống Lào để người dân và du khách vui chơi giải trí. Ngoài ra, ngành thương mại cũng tổ chức hội chợ với hàng trăm gian hàng giới thiệu, mua bán hàng hóa, thủ công mỹ nghệ truyền thống, cây trồng và cả các món ăn đặc sắc của Lào phục vụ người dân đi hội và khách du lịch.
Lễ hội Thạt Luổng là lễ hội lớn nhất của người Lào theo đạo Phật. Đây còn là dịp để người dân từ các nơi về thủ đô Viêng chăn lễ Phật, thể hiện tinh thần đoàn kết, nguyện cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà ấm no hạnh phúc.