Phát triển kinh tế xanh từ sản phẩm OCOP

Thứ hai - 29/08/2022 21:08
(LĐTĐ) Là địa phương có số lượng làng nghề và làng có nghề lớn nhất toàn quốc với 1.350 làng nghề, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, Thủ đô Hà Nội có nhiều lợi thế trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá, xúc tiến các sản phẩm OCOP; kỳ vọng đáp ứng được yêu cầu của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 theo mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra.
Thành phố Hà Nội đã mở trên 50 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Thành phố Hà Nội đã mở trên 50 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Thành phố đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia 5 sao. Tính đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Tại Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm đến năm 2025, thành phố Hà Nội phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP; có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Hàng năm, mỗi quận, huyện, thị xã phát triển ít nhất 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; phấn đấu 100% các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử;…).

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần lễ hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng được 55 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Để tiếp tục hỗ trợ các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội với mục đích nhằm tuyên truyền về chương trình OCOP, sản phẩm OCOP để các doanh nghiệp, cá nhân nhận diện, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP sản xuất cung ứng sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng để đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp.

Tăng cường liên kết, xúc tiến sản phẩm OCOP

Theo Phó Chủ tịch huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, Phúc Thọ là huyện có rất nhiều nghề, với gần 60 làng có nghề. Đây cũng là địa phương có đặc thù địa hình đa dạng miền bãi, đồng, ven sông, đồi gò, có thế mạnh phát triển nông nghiệp cả về trồng trọt lẫn chăn nuôi đặc sản.

Huyện Phúc Thọ cũng tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm, sử dụng sản phẩm OCOP như tổ chức nhiều đợt quảng bá, giới thiệu sản phẩm; khai trương, mở điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đặt tại các địa phương. Các sản phẩm OCOP được bày bán đều đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như: Bưởi Phúc Thọ, thịt lợn sinh học Thọ Lộc, rau an toàn Thanh Đa, chuối Vân Nam…

Phát triển kinh tế xanh từ sản phẩm OCOP

Mới đây, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố công nhận 595 sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2021. Trong 595 sản phẩm của 171 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2021, thì có 367 sản phẩm đạt 4 sao, 228 sản phẩm đạt 3 sao. Điều này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã và các xã, chủ thể trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua.

Hiện tại, thành phố Hà Nội đã mở trên 50 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Riêng trong năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với 14 quận, huyện khai trương 22 điểm OCOP. Năm 2022, theo kế hoạch, thành phố Hà Nội sẽ đánh giá, xếp hạng cho khoảng 400 sản phẩm, nhưng hiện đã có tới 488 sản phẩm đăng ký đánh giá, phân hạng. Con số này cho thấy chương trình OCOP đã lan tỏa đến đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh việc “gắn sao” sản phẩm OCOP, công tác xúc tiến thương mại cũng được Hà Nội đẩy mạnh triển khai thực hiện. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã tổ chức cho các chủ thể tham gia chương trình Hội chợ “Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 chủ đề Liên kết cùng phát triển” tại tỉnh Đồng Tháp; tham gia chương trình “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La”…

Ngoài việc tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia chuỗi liên kết sản xuất, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá sản phẩm, thành phố Hà Nội còn là điểm đến của các hội chợ thương mại. Thành phố Hà Nội tham gia các Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022 tại huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì; Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022; hỗ trợ kết nối quảng bá thương hiệu sản phẩm, sản phẩm OCOP các địa phương tại thị trường Hà Nội…

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (các tỉnh miền núi phía Bắc; các tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Tây Nguyên, Nam Bộ) tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và nhiều chương trình xúc tiến các sản phẩm OCOP khác./.

Ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 919/QĐ-TTg). Theo đó, Chương trình OCOP giai đoạn này được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chương trình phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…


H.Phong

Nguồn:https://laodongthudo.vn/phat-trien-kinh-te-xanh-tu-san-pham-ocop-144956.html

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây