Trước đây, toàn huyện Hoàng Su Phì chỉ có 3 chợ là Vinh Quang, Bản Máy và Nậm Dịch, được mở từ thời Pháp thuộc, trong đó chợ Vinh Quang lớn nhất. 3 chợ này đều được mở vào ngày Chủ nhật hàng tuần, là nơi mua bán, trao đổi hàng nông sản của cư dân các vùng trong huyện. Không những vậy, đây còn là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng các dân tộc, mang nét đặc trưng của một huyện vùng cao biên giới. Do đường giao thông chưa phát triển, phương tiện chủ yếu là đi bộ hoặc dùng ngựa thồ, trong khi các bản làng đều nằm cách xa chợ, nhiều thôn phải mất từ 3 - 4 giờ đi bộ nên có khi một vài tháng người dân mới xuống chợ một lần, họ thường đi từ chiều hôm trước để buổi tối được gặp gỡ và ăn uống, tâm sự. Hôm sau mới tiến hành các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa.
Hiện nay, hầu hết các xã trong huyện đều có chợ phiên, được mở xen kẽ vào các ngày trong tuần. Giao thông được mở đến các thôn, người dân có đời sống kinh tế phát triển hơn nên mua sắm được xe máy làm phương tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa, vì vậy việc xuống chợ được thường xuyên hơn và mỗi khi xuống chợ chủ yếu đi vào lúc sáng sớm. Mặc dù hoạt động của chợ phiên Hoàng Su Phì có nhiều biến đổi so với trước, song vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo của địa phương, một trong số đó là hoạt động giao lưu tại phiên chợ. Trên những con đường mòn gần khu vực chợ, thường bắt gặp những chàng trai, cô gái dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mông dừng bước ven đường để sửa soạn chỉnh trang lại trang phục rồi mới rảo bước vào chợ.
Hầu hết ở các chợ phiên của huyện Hoàng Su Phì, hoạt động ăn uống diễn ra khá tấp nập với những món ăn truyền thống và không quá cầu kỳ như thắng cố, bún chua, phở, bánh trái các loại và không thể thiếu chén rượu nấu bằng men lá. Cách ăn của họ cũng có điều khác lạ, nhiều người mang theo gói cơm, xôi được chuẩn bị từ nhà, đến quán họ mua thêm bát phở hoặc mì tôm và chai rượu để mời bạn nhâm nhi. Vừa ăn vừa tâm sự trải lòng, đôi khi chỉ một bát phở nhỏ với vài chén rượu nhưng vẫn kéo dài tới cả tiếng đồng hồ.
Ở chợ Vinh Quang, sắc màu chủ yếu của những bộ trang phục là xanh chàm, màu đen của dân tộc Tày, Nùng, La Chí; với chợ Nậm Dịch đa số là màu vàng, đỏ sặc sỡ cùng những tiếng leng keng của những món trang sức bằng bạc hoặc xanh căng trên bộ trang phục và túi thổ cẩm của các cô gái dân tộc Mông hoặc màu đỏ thắm của chiếc thắt lưng nổi bật trên nền màu xanh chàm của những bộ trang phục của dân tộc Dao áo dài. Trong khi đó tại chợ Thông Nguyên chủ yếu là màu đỏ trên nền xanh chàm với những họa tiết hoa văn cầu kỳ trên chiếc khăn đội đầu và và màu bạc lóng lánh trên chiếc Lùi ton đeo trước ngực của các thiếu nữ dân tộc Dao đỏ.
Cách thức mua bán, trao đổi hàng hóa cũng khá độc đáo, nhất là ở nhóm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Phụ nữ hoặc nam giới trung tuổi cầm trên tay những mảnh thổ cẩm, cuộn chỉ thêu nhiều màu, đồ trang sức bằng bạc hoặc con gà, con lợn con, mớ rau hoặc xiên cá trên các lối đi, đó chính là hình thức bán dạo mà khách du lịch thường gọi vui là hàng xách tay hoặc hàng cắp nách. Các hoạt động mua bán diễn ra hiền hòa, thuận mua vừa bán và hầu như không có việc cãi vã, tranh mua tranh bán.
Ngày nay, đặc trưng văn hóa chợ phiên của huyện Hoàng Su Phì có nhiều thay đổi, song vẫn giữ được những giá trị sắc màu văn hóa độc đáo riêng có. Đây cũng là một trong những tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện đang được ngành Du lịch khai thác, quảng bá để thu hút khách du lịch và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương.
Tác giả bài viết: http://baohagiang.vn/van-hoa/202302/doc-dao-sac-mau-cho-phien-hoang-su-phi-888060d/
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023