Đó là lời nói chuyện thật dễ thương của bà Nguyễn Thị Hà (54 tuổi, ngụ phường 3, TP Vị Thanh, Hậu Giang) với khách hàng.
Phiên chợ đặc biệt miền châu thổ với các "hai lúa" tay xách nách mang sản vật tươi rói của đồng bưng. Âm thanh chuyển hàng, tiếng gọi nhau í ới, giọng mặc cả mua bán chộn rộn cả góc thị tứ.
Mớ rau, trái mướp, con cá rô đồng
12h đêm, khi mọi người còn đang chìm trong giấc ngủ thì ở góc chợ chồm hổm thuộc phường 3 (TP Vị Thanh), mọi người lại rộn ràng bắt đầu ngày mới. Xa xa nơi góc chợ, bà Nguyễn Thị Hà mang mớ bầu, mướp và rau mồng tơi bày ra. Mớ rau tươi ngon, cuống vẫn còn chảy mủ do mới vừa cắt.
"Nhà trồng hai công rau, chủ yếu là bầu, bí với tí rau vườn như mồng tơi, rau má. Ông xã tui ngủ sớm, thức dậy từ lúc 11h khuya, tranh thủ hái rồi đem ra chợ bán liền cho tươi. Ngày hái được vài chục ký chứ không nhiều nhặn gì. Lâu lâu hàng xóm cũng gửi theo bán ké, mình sẵn tiện giúp luôn" - bà Hà chia sẻ.
Ngồi chưa ấm chỗ, vài mối quen đã ghé hỏi thăm. "Ủa nay bầu, mướp bán sao chị?" - chị Nguyễn Thị Thảo, lái mua rau về bỏ lại cho các mối nhỏ, hỏi. "Bầu này 8.000 đồng/kg, mướp 7.000 đồng. Riêng mớ mướp bị ong chích xiêu vẹo thì 5.000 đồng" - bà Hà đon đả.
Chốc sau, mớ rau củ dần vơi theo mỗi lần mối quen ghé thăm. Người ít thì lấy 3-5kg, người nhiều thì 8-10kg. Chừng hơn tiếng, bà Hà đã bán sạch đồ vườn. "Hôm nào cũng vậy, trễ lắm 2 tiếng là bán hết. Hàng mình tươi, giá cũng rẻ nên họ mua về dễ bán lại" - bà Hà chia sẻ.
Chợ chồm hổm ở Vị Thanh hình thành cách đây khoảng 8 năm. Ban đầu chỉ lác đác vài nông dân mang rau củ vườn đem ra bán cạnh chợ truyền thống lâu năm. Sau thấy bán được nên nhiều người dân tụ họp, hình thành chợ sầm uất như hiện nay.
Chợ họp từ nửa đêm, đến khoảng 10h sáng là tan. Thời điểm đông người mua kẻ bán nhất là khoảng từ 3h-7h sáng.
Bông điên điển còn đọng sương, lọn súng đồng tươi rói, mớ rau vườn đủ loại từ rau dừa, kèo nèo, diếp cá cho đến rau má, quế, trái mít chín, mớ dâu xanh... tạo nên nét đẹp quê của chợ chồm hổm này.
Ngoài rau củ, cá đồng cũng được nhiều khách ghé chợ tìm mua. Mấy con trê vàng, vài con lóc, mớ rô đồng theo người nhà quê ra phố. Khách ghé chợ thèm thuồng, lựa nhanh mấy con cá đồng về chuẩn bị cho bữa cơm gia đình.
"Mấy con lóc lớn này tui bán 100.000 đồng, nhỏ tui bán 70.000 đồng. Mua nhanh đi, tí nữa là hết đó nghen" - chị Dương Thị Bích Liễu, người bán cá đồng, mời mọc khách.
Càng về sáng, đồ vườn ra chợ càng nhiều. Nếu nửa đêm là thời điểm bạn hàng ghé lấy hàng sỉ về bỏ lại cho các mối, cửa hàng ăn uống hoặc chở đi bán dạo, thì gần sáng người dân ghé chợ mua về ăn. Do giá rẻ, rau củ, trái cây lại tươi rói nên ai cũng thích.
"Ông xã tui khoái mấy trái lêkima này lắm. Sáng giờ ghé chợ mua hết cái này đến cái kia. Tốn quá tốn rồi" - chị Hồng Thắm, người đi chợ, cười đon đả.
Cũng mấy mớ rau tập tàng này mà nuôi mấy đứa nhỏ khôn lớn. Lội nước, tưới rau, bó rau rồi đem ra chợ ngồi bán, ngày nào cũng lặp lại như thế. Quen rồi, không đi bán ngứa ngáy chân tay chịu không được.Bà DƯƠNG THỊ HỒNG MỸ
Ngồi bán không hết thì đội đầu đi bán
Nơi góc chợ, bà Dương Thị Hồng Mỹ (61 tuổi, ngụ xã Vị Tân, TP Vị Thanh) đến chợ từ sớm, mang theo mớ rau dừa, càng cua, rau răm, kèo nèo, rau muống đồng bày ra khiến ai cũng ngoái nhìn.
"Rẻ lắm cậu ơi, rau dừa 1.000 đồng/bó, kèo nèo, rau muống cũng vậy. Bữa trước có mấy trái mít chín tui cũng đem ra đây bán, bà con thương nên ghé ủng hộ" - bà Mỹ nói.
Đặc điểm dễ nhận biết của nông dân "tiểu thương" là đôi tay dính nhựa rau đen đúa, đầu móng tay ăn sát rạt vào da do cắt rau, bó rau. Bàn tay người nào cũng nhăn nheo vì dầm với nước lâu ngày. Bà Mỹ kể cứ bán rau xong là tranh thủ về tưới rau, mần cỏ, cắt rau cho bữa chợ sau.
"Nhà có mấy công đất trồng được 50 gốc mít và mấy cây măng cụt. Dưới ao thì trồng rau dừa, trên bờ để cho rau má, càng cua, rau muống đồng mọc dại. Tui không xịt thuốc cỏ mà chỉ mần tay. Vậy rau nó mới sống được. Ngày nào cũng hái được mấy chục ký rau mang ra chợ bán, kiếm cũng gần trăm ngàn lo cho gia đình" - bà Mỹ tâm sự.
Bà có 2 người con, trước mần ở quê nhưng không đủ sống nên rủ nhau "đi Bình Dương bán nước tương" theo cách nói hài hước của người miệt quê.
"Tụi nó rời quê, dắt díu con cháu đi Bình Dương hết rồi. Nhớ mấy đứa nhỏ chịu không nổi luôn. Đáng lẽ tháng này thôi nôi đứa cháu nè, mà dịch nên tụi nó ở lại. Thương hết sức" - bà Mỹ tâm sự.
Bà Kim Chương (56 tuổi, xã Hòa Lục) cũng đang ngồi bên mớ đậu bắp, ngò ôm cùng mớ cá đồng, hằng ngày mang về chút thu nhập cho người phụ nữ Khmer này.
"Bán ở đây cũng được gần năm rồi, thấy gần nhà người ta ra đây bán nên tui cũng đi theo. Chừng nào bán hết thì về, tan chợ mà còn thì đội đầu bán vòng vòng quanh chợ" - bà Chương tếu tếu kể.
Bà Chương cũng như vài phụ nữ Khmer khác tìm đến chợ từ sớm, tranh thủ vào một góc nào đó để bày đồ ra bán.
"Chợ tan mà chưa bán hết thì mình đội đầu, đi dọc dọc mấy tuyến đường chính quanh đây để bán. Được mấy chục ngàn dù không nhiều nhặn gì nhưng cũng lo được cho gia đình" - bà Chương thổ lộ.
Đầu chợ, anh Đặng Văn Bình đang xếp rau củ vào giỏ để chở đi. Anh cho biết mình đến đây từ sáng, gom đủ các loại rau củ rồi chở về nhà đưa lên ghe đem bán.
"Đi dọc theo mấy tuyến kênh, bán cho người dân mấy chỗ heo hút, xa chợ. Cũng sống được qua ngày nhờ bà con thương" - anh Bình vui vẻ kể.
Bỏ nghề may đi bán cá
Hằng ngày, bà Nguyễn Thị Bích Châu (55 tuổi, ngụ phường 7, TP Vị Thanh) cùng chồng chở theo 2 thùng cá tra bán bên hông chợ. Mối hàng của bà là chủ quán ăn, tiểu thương mua bán nhỏ.
"Tui vào ao bắt cá lúc nửa đêm, chở ra đây bán cho bạn hàng. Ngày nào cũng bán tầm 100kg, mỗi ký lời 6.000 đồng, bán xong thì về nghỉ ngơi đặng ngày mai bán tiếp. Trước làm nghề may, sau đó thấy nghề này kiếm cơm được nên làm" - bà Châu cười rổn rảng nói.
Nguồn tin: Tuổi trẻ Online:
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023