Đánh giá đúng vai trò tạo việc làm của Doanh nghiệp, Hợp tác xã

Thứ tư - 16/09/2020 04:27
Dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế-xã hội. Nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp sản xuất, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn, việc làm của người lao động (NLĐ). Trước bối cảnh đó, ông Lê Quang Trung - Tổng Giám đốc Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong bài trả lời báo Lao động cho biết, để các các chính sách và gói hỗ trợ phát huy hiệu quả, Chính phủ cần xem xét đánh giá đúng vai trò tạo việc làm của các doanh nghiệp và hợp tác xã.
Ông Lê Quang Trung - Tổng Giám đốc Liên Hiệp Hợp tác xã Việt, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
Ông Lê Quang Trung - Tổng Giám đốc Liên Hiệp Hợp tác xã Việt, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong 10 năm

Từ đầu năm đến nay, Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) ghi nhận những con số “ảm đạm” về thị trường lao động (LĐ) sau ảnh hưởng nặng nề của dịch. Theo đó, lực lượng LĐ thấp kỷ lục, LĐ có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm của lực lượng LĐ trong độ tuổi LĐ tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Trong số 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, thì có đến 7,8 triệu LĐ bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc…

Nhằm chia sẻ những khó khăn cho DN và NLĐ, lần đầu tiên, Chính phủ ban hành một gói hỗ trợ quốc gia về an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỉ đồng bằng tiền mặt để hỗ trợ kịp thời cho hàng triệu người dân bị tổn thương. Có thể nói, đây là nỗ lực chưa từng có tiền lệ, mang tính cấp bách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành cho người dân, DN trong lúc khó khăn này.

Trong khi gói hỗ trợ này tiếp tục được giải ngân, tình hình dịch COVID-19 trong nước lại tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Bộ LĐTBXH đã tính đến kịch bản xấu nhất. Trong những tháng cuối năm, số NLĐ mất việc làm có thể tăng khoảng 60.000-70.000 người/tháng. Số người thất nghiệp sẽ còn gia tăng nếu tình hình dịch COVID-19 chưa được khống chế.

Trước tình hình này, Bộ LĐTBXH đã tham mưu với Chính phủ gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 với phương án hỗ trợ toàn diện để ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất. Gói hỗ trợ hướng đến nhóm đối tượng là DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên DN nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 LĐ), hợp tác xã và hộ kinh doanh và người lao động (NLĐ) mất việc có hoàn cảnh khó khăn. Kỳ vọng, chính sách này sẽ hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh và NLĐ vay vốn ưu đãi để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tạo, duy trì cũng như mở rộng việc làm.

 

182354baoxaydung 5

Đánh giá đúng vai trò của doanh nghiệp

Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH - cho biết, khi dịch COVID-19 tác động, Chính phủ, các bộ ngành đã khẩn trương, kịp thời trong việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách, hỗ trợ đối với DN và NLĐ, trong đó, đặc biệt quan tâm đến nhóm LĐ có nguy cơ bị mất việc làm và chú ý đến DN. Đặc biệt, ngành LĐTBXH đã chủ động và đề xuất các phương án, biện pháp để hạn chế tình trạng sa thải và hỗ trợ NLĐ.

“Gói hỗ trợ trên thực sự được đón nhận của DN, NLĐ trong thời gian qua. Thông qua đó, các DN đã chủ động, tìm các biện pháp để duy trì việc làm cho NLĐ, đồng thời tìm ra hướng đi cho riêng mình. Bên cạnh đó, NLĐ cũng nhận thức rất rõ trong bối cảnh dịch COVID-19, cần có sự chia sẻ khó khăn với DN và xác định rõ trách nhiệm của mình trong công việc” - ông Trung nhận định.

Nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm cho rằng: “Chúng ta đã đánh giá đúng và trúng vai trò của DN. Đây là nơi tạo ra việc làm. Khi dịch COVID-19 tác động, mấu chốt nhất làm sao giữ được DN, để họ tồn tại và phát triển mới duy trì được việc làm cho NLĐ”.

 

gia nhan cong xay dung 1701151934

Qua quá trình thực hiện gói hỗ trợ, ông Trung cho hay, cơ quan chức năng cần quản lý tốt cơ sở dữ liệu dân cư, NLĐ. Hiện nay, nên cập nhật tình hình LĐ giống như cách thức triển khai khai báo y tế. Vì vậy, có quản lý và xác định đối tượng tốt, cơ quan thực hiện chính sách mới thuận lợi.

“Chúng ta rà soát điều kiện hưởng hỗ trợ làm sao NLĐ thuộc đối tượng sẽ dễ dàng được hưởng. Nếu điều kiện thụ hưởng khắt khe sẽ gây khó khăn cho DN và NLĐ. Chính sách được thực hiện trong thời gian ngắn, đòi hỏi kịp thời, cần huy động nhiều ngành, cấp vào cuộc, nhưng có sự phân công cụ thể, đặc biệt xác định nhóm LĐ tự do” - ông Trung nói thêm.

Trước những diễn biến dịch COVID-19, theo ông Trung, cần nhận thức cho đúng vai trò, vị trí của DN, hợp tác xã, hội tiểu thương, kinh doanh trong vấn đề tạo việc làm và giữ chỗ làm việc cho NLĐ. Ngoài ra, cơ quan phụ trách cần rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với các ngành, lĩnh vực, DN trong thời gian tới để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời và đúng đắn.

Nguồn tin: Báo Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây