Tại thời điểm này và trong rất nhiều năm nữa, tại Việt Nam những mô hình thương mại hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng mua sắm tiện ích, thương mại điện tử... chưa thể thay thế chợ truyền thống. Hiện nay cả nước vẫn tồn tại gần 9000 chợ truyền thống, trong đó Hải Dương có 175 chợ các loại và thực tế cho thấy mạng lưới chợ vẫn là kênh phân phối hàng hóa chủ yếu của người sản xuất và người tiêu dùng, nó luôn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương trên nhiều phương diện.
Thứ nhất:
Về mặt kinh tế thì chợ là bộ phận quan trọng trong cấu thành mạng lưới phân phối hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng phát triển thị trường giao lưu hàng hóa, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân và tạo nguồn thu ngân sách. Đối với khu vực nông thôn: Chợ là nơi tập kết, xuất phát điểm của hàng nông - lâm - thủy sản, thực phẩm rau quả để cung ứng cho các thị trường tiêu thụ lớn như khu công nghiệp hoặc đưa về các khu đô thị phục vụ nhân dân. Ngược lại chợ còn là nơi cung ứng hàng công nghiệp tiêu dùng, kim khí, điện dân dụng, vật tư, phân bón... phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng trong sinh hoạt đời sống của nhân dân. Đối với khu vực thành thị: Chợ gắn liền với đời sống hàng ngày của mỗi gia đình, từ cái tăm, con tép, mớ rau, hạt gạo sử dụng mỗi ngày đều phải qua chợ, chính chợ là nơi cung cấp hàng hóa tiêu dùng cho các khu vực dân cư. Sự phát triển tại các đô thị hiện nay đã xuất hiện khá nhiều hình thức thương mại cạnh tranh trực tiếp với chợ, vì thế cần phải nâng cấp, mở rộng các chợ trên địa bàn, đầu tư vào các dịch vụ, trang thiết bị bảo quản hàng hóa, cơ sở sơ chế hàng lương thực, thực phẩm; nâng cao hiệu quả công tác quản lý phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm... nâng tầm hoạt động mua bán tại các chợ truyền thống lên một bước mới ngày càng văn minh hơn, đảm bảo an toàn và đáp ứng được quyền lợi của người tiêu dùng. Thứ hai:
Về mặt xã hội, chợ làm tăng ý thức về kinh tế hàng hóa của người dân nhất là khu vực nông thôn, từ đó thúc đẩy sản xuất của nông dân phát triển, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, chợ còn là nơi lưu thông hàng hóa, trao đổi các thông tin về giá cả, ý thức xã hội, làm tăng khả năng phản ứng của người dân với thị trường, với thời thế và tự mình quyết định được công việc làm ăn, buôn bán sao cho hiệu quả và phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Qua đó, đã dần hình thành và phát triển các ngành nghề, các nhóm tiểu thương tập trung lại với nhau để làm ăn buôn bán.Chợ luôn thu hút đông đảo đội ngũ lao động của mỗi địa phương, không tính đối tượng là lao động thời vụ, trên cả nước hiện có gần 2,5 triệu người kinh doanh và lao động ổn định tại chợ. Tỉnh Hải Dương những năm gần đây do công nghiệp phát triển không ngừng, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp để mở các khu công nghiệp, dẫn đến việc nông dân không có ruộng đất để canh tác, họ phải tìm công ăn việc làm từ chợ. Mặt khác, số lượng người lao động từ nhiều nơi đổ về làm việc tại các khu công nghiệp khiến nhu cầu mua bán qua chợ ngày càng tăng. Mặc dù số chợ trên địa bàn tỉnh tại thời điểm không tăng nhưng về quy mô thì đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng khang trang, thu hút khoảng trên 5.500 lao động ổn định và hàng chục ngàn lao động phụ tại chợ, giảm bớt gánh nặng thất nghiệp và các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Thứ ba:
Về văn hóa, chợ cũng được coi là bộ mặt về kinh tế, xã hội của từng địa phương, phản ánh khá rõ tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và bản sắc văn hóa riêng của mỗi vùng, miền. Nhìn vào chợ, người ta có thể đánh giá chất lượng đời sống của nhân dân khu vực đó, đánh giá được sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền đó nhanh hay chậm, phong cách tiêu dùng của người dân vùng miền đó như thế nào. Văn hóa chợ thường thể hiện rất rõ ở địa bàn miền núi và vùng nông thôn. Những yếu tố trên một lần nữa khẳng định chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế - xã hội của mỗi địa phương trong nhiều năm tới.