TGĐ Liên Hiệp HTXVN Lê Quang Trung trả lời VTV1 về thị trường lao động trong đại dịch Covid-19

Thứ ba - 17/03/2020 00:09
Trong chuyên mục Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 16/3/2020 của Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên Hiệp Hợp tác xã Việt Nam Lê Quang Trung xuất hiện trong vai trò khách mời, với tư cách Chuyên gia lao động việc làm, Nguyên Phó cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ông đã có những nhận định quan trọng về sự trầm lắng của thị trường lao động trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Tổng Giám đốc Liên HIệp Hợp tác xã Việt Nam Lê Quang Trung
Tổng Giám đốc Liên HIệp Hợp tác xã Việt Nam Lê Quang Trung
Ước tính có 10.000 trường hợp khai báo nhận bảo hiểm thất nghiệp chỉ tính riêng tại Hà Nội kể từ Tết  Âm lịch đến nay. Cắt giảm thu nhập và người lao động là việc làm "cực chẳng đã" với các doanh nghiệp khi phải chống chọi các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Trao đổi trước tình hình này của thị trường lao động, BTV Linh Thủy của VTV đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Quang Trung - Chuyên gia lao động việc làm, Nguyên Phó cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

BTV: Thưa ông, “đi thì dở mà ở cũng không xong” đó là tâm trạng của nhiều lao động mất việc hoặc là thiếu việc do tác động của dịch bệnh. Có lẽ chưa khi nào nỗi lo về thu nhập cũng không kém gì nỗi lo về dịch bệnh như hiện nay, ông có chia sẻ như thế nào? 

Ông Lê Quang Trung: Trong bối cảnh dịch Covid-19, chúng tôi rất chia sẻ với người lao động, và kể cả người sử dụng lao động. Hàng trăm doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, cắt giảm giờ làm, thay đổi sản xuất kinh doanh, dẫn đến người lao động mất việc làm, giảm thu nhập ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
 
e26cf76cfb4f0011595e
Tổng Giám đốc Lê Quang Trung xuất hiện với tư cách Chuyên gia lao động việc làm, Nguyên Phó cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

BTV: Khi mất việc làm thì bảo hiểm thất nghiệp được cho là có thể giúp người lao động vượt qua cú sốc mất việc này trong khoảng từ 6 đến 12 tháng. Trong thời điểm này các điểm tiếp nhận đều rất đông đúc, liệu đây có phải tín hiệu thực sự đáng lo ngại hay không?

Ông Lê Quang Trung: Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang thực sự gặp khó khăn, không chỉ các ngành dịch vụ mà còn các ngành gia công, chế biến, xuất khẩu, du lịch, giảng dạy.

BTV: Để có thể cầm chừng hoạt động và giữ chân người lao động, có rất nhiều doanh nghiệp đã thay đổi cách thức hoạt động luân phiên hoặc cho lao động làm việc tại nhà và giảm lương. Ông đánh giá thế nào về những giải pháp tình thế này? 

Ông Lê Quang Trung: Tôi cho rằng trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với người lao động, các tổ chức công đoàn cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để tạo điều kiện tốt nhất duy trì sản xuất, giúp người lao động có thể duy trì việc làm, ổn định nguồn thu nhập.
 
Liên quan đến vấn đề này, theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân với 1200 doanh nghiệp, thì có tới 2/3 cho biết là có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng nữa, do doanh thu không thể bù đắp được chi phí hoạt động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng và chi phí mặt bằng. Phần lớn các doanh nghiệp sẽ chọn phương án là cắt giảm lương hoặc người lao động, dù đây cũng là việc "cực chẳng đã". Những chính sách được đưa ra kịp thời và nhanh chóng được kích hoạt để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng là gián tiếp giúp cho người lao động giữ được việc làm. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang lấy ý kiến các bộ ngành về dự thảo hướng dẫn tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội nghỉ việc tiến hành lập hồ sơ tạo căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra những chính sách đã và đang được triển khai có thể gián tiếp hỗ trợ cho người lao động trong thời gian này. Như là gói hỗ trợ tín dụng có quy mô lên tới 285.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước mới ban hành nhằm hỗ trợ, miễn lãi, giảm lãi, cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ cho các doanh nghiệp hoặc đối tượng bị ảnh hưởng của Covid-19. Thêm nữa Bộ Tài chính cũng vừa hoàn thiện dự thảo nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tổng số tiền gia hạn dự kiến lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.


BTV: Thưa ông Lê Quang Trung, ông có cho rằng các đề xuất gần đây như và gia hạn nộp thuế hay đóng bảo hiểm xã hội hoặc là giảm lãi suất liệu thực sự gián tiếp giữ việc làm cho người lao động hay không?

Ông Lê Quang Trung: Tôi cho rằng đây là những chính sách hết sức kịp thời và hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Đặc biệt là những chính sách về thuế, chính sách về vốn, và chính sách về bảo hiểm xã hội giúp ổn định sản xuất và giúp người lao động giữ được việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19. 

BTV: Tuy nhiên những chính sách hỗ trợ này sẽ cần thời gian để đi vào thực tế, trong khi nhu cầu chi tiêu của người lao động vẫn diễn ra hằng ngày. Sự chia sẻ khó khăn giữa doanh nghiệp và người lao động lúc này phải làm thế nào để “vừa hợp tình vừa hợp lí”? 

Ông Lê Quang Trung: Trong lúc khó khăn này, cả hai bên cần đi đến một thống nhất để giữ được người lao động, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của các công đoàn, cũng như sự vào cuộc của các cấp chính quyền trên cơ sở làm sao cho người lao động an tâm.
 
Screenshot (27)

BTV: Ông có thể đưa ra một đề xuất hoặc một ví dụ cụ thể? 

Ông Lê Quang Trung: Chúng ta có thể giảm hoặc cho nợ các khoản nóng, có thể xây dựng một chính sách hoặc một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp chi trả giúp cho người lao động đảm bảo cuộc sống. 
 
Có rất nhiều chuyên gia cũng khẳng định rằng đây chỉ là sự trầm lắng tạm thời trong ngắn hạn của thị trường lao động mà thôi. Nhu cầu việc làm trong dài hạn vẫn tăng, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai hay Bình Dương. Riêng hai ngành chế tạo và công nghiệp vẫn khát lao động với kế hoạch tuyển dụng cả năm. Hiện tất cả sàn giao dịch việc làm không mở phiên theo thông lệ, mà chuyển sang giới thiệu việc làm online, kết nối trực tiếp nhà tuyển dụng và người lao động.


BTV: Người lao động có thể phần nào yên tâm khi thị trường sẽ ấm lên trong thời gian tới, vậy người lao động nên trang bị thế nào để có thể nắm bắt được cơ hội?

Ông Lê Quang TrungXu hướng của thị trường lao động năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển với các ngành mới và các lĩnh vực mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, du lịch… những ngành đòi hỏi qua đào tạo có nhu cầu rất lớn. Vì vậy chúng tôi cho rằng, người lao động phải chủ động trong đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng... để chớp lấy các cơ hội, kể cả các cơ hội đào tạo theo chính sách của bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị với người sử dụng lao động tranh thủ tận dụng và có một định hướng rõ ràng trong thời gian tới. 

BTV: Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta dễ rơi vào tình trạng chới với vì thiếu lao động quen việc ngay khi guồng sản xuất quay trở lại nhịp độ bình thường. Ông có những khuyến cáo như thế nào?

Ông Lê Quang Trung: Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đang sử dụng một lực lượng lao động rất lớn. Chính vì vậy các doanh nghiệp phải đào tạo, bồi dưỡng, có chính sách giữ chân, thu hút người lao động vào làm việc, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

BTV: Cảm ơn những chia sẻ của ông!
            

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây