Thứ trưởng Y tế: 'Người dân ở ngoài ổ dịch được về quê bình thường'

Thứ năm - 04/02/2021 22:07
Người từ ổ dịch ở địa phương này đi đến địa phương khác buộc phải khai báo y tế, sàng lọc và theo dõi sức khỏe; còn lại những địa điểm khác được về quê bình thường.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên

   Tối 4/2, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cho biết đã nhận được phản ánh của người dân về việc nhiều địa phương đang có những hình thức cách ly khác nhau với người về từ vùng dịch.

   Theo ông Tuyên, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam luôn chống dịch theo nguyên tắc cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Chính phủ đã giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể, để quyết định việc cách ly (phong tỏa) một địa điểm "theo diện hẹp", nơi có ca nhiễm Covid-19. "Vì vậy, ổ dịch (vùng dịch, điểm dịch) có thể là một cụm dân cư, khu chung cư, ngõ phố, khu phố, thôn, bản, xã hoặc rộng hơn là thành phố. Những nơi đã được chính quyền địa phương quyết định phong tỏa mới được coi là ổ dịch", ông Tuyên giải thích.

   Đơn cử, TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương); sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); 11 khu vực ở Hà Nội như ngõ 86 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu), thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh)... được coi là các ổ dịch bởi đang bị phong tỏa. Những nơi khác ngoài các địa điểm này mà không có ca bệnh, thì không được coi là ổ dịch.

   Ngoài ra, trong các ổ dịch, cơ quan chức năng sẽ phân loại các F1 (phải cách ly tập trung); F2 (cách ly tại nhà); F3, F4 và các trường hợp khác có được ra ngoài khu vực phong tỏa hay không sẽ do chính quyền địa phương quyết định.

"Những người từ các ổ dịch, khi về quê hoặc di chuyển đến địa phương khác, buộc phải khai báo y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà. Còn những người không nằm trong các ổ dịch thì vẫn được di chuyến đến địa phương khác hoặc về quê, sinh hoạt bình thường và đảm bảo các biện pháp cần thiết như rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người", Thứ trưởng Tuyên nói.

   Vì Chính phủ đã giao các địa phương quyết định việc khoanh vùng, cách ly, nên trong quá trình người dân khai báo y tế, cơ quan y tế sẽ sàng lọc để xem xét áp dụng biện pháp cách ly phù hợp với những người trở về từ vùng dịch có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh.

  Ông Tuyên cũng cho biết, Bộ Y tế đang soạn thảo văn bản hướng dẫn các địa phương cách ly người từ vùng dịch, để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong cả nước. Dự kiến sáng nay (5/2), văn bản sẽ được ban hành.

  Cùng chung quan điểm trên, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng về nguyên tắc, chỉ những người trở về từ các ổ dịch - tức những địa điểm có ca Covid-19, mới cần phải cách ly. Đây có thể là những người đã rời khỏi ổ dịch trước khi có lệnh phong tỏa, hoặc trốn khỏi địa điểm bị phong tỏa.

  "Việc địa phương nào đó cách ly tất cả những người về từ một phường, xã, những nơi đang có một vài địa điểm trên địa bàn ghi nhân ca Covid-19 là không cần thiết", ông Phu nói.

  Ông phân tích, những ai trở về từ TP Chí Linh thì cần thiết phải cách ly; nhưng nếu chỉ vì Hà Nội phong tỏa ngõ 86 phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu) mà cách ly tất cả những người từ phường này là chưa thỏa đáng.

  Thời gian qua, nhiều địa phương đã yêu cầu cách ly những người từ địa phương có dịch về quê đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. TP Hải Phòng yêu cầu cách ly tập trung những người trong cùng xã, phường với ca Covid-19; Thừa Thiên Huế cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với tất cả công dân từ Quảng Ninh, Hải Dương, các quận, huyện thuộc TP Hà Nội đã được Bộ Y tế công bố có điểm dịch và các địa điểm do Bộ Y tế cập nhật...

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây