Lão nông Tạ Trung Thành cho biết, cách đây 5 năm ông bắt đầu trồng loại nhãn tím mà nay trở thành rất “hot” trên mạng. Đây là loại nhãn long đột biến gen, cho trái và lá hầu như toàn màu tím, ăn ngon, ngọt. Xuất phát điểm của giống nhãn này là của vườn ông Trần Văn Huy ở ấp Phong Thạnh, xã cù lao Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Thấy giống nhãn độc lạ, quý hiếm, anh Tạ Trung Toàn, con trai ông Thành đã đến tận vườn chiêm ngưỡng và tìm mua được 3 cây giống với giá 1,2 triệu đồng/cây.
“Ban đầu, chú Huy chỉ bán cho có một cây. Vì khi đó, giống nhãn này bắt đầu sốt rồi. Người ta đặt không đủ giao nên mua giống cũng khó khăn lắm. Con tôi sau đó tới lui năn nỉ mãi, được thêm hai cây nữa”, ông Thành kể lại.
Trồng được hai năm, thấy nguồn tiêu thụ nhãn tím rất ổn định, cây dễ ra hoa đậu trái, hệt như nhãn long lại được nhiều người săn đón nên gia đình ông Thành bắt đầu nhân rộng ra toàn khu vườn với diện tích 1ha. Đến nay, ông Thành đã nhân ra được khoảng 1.000 cây nhãn tím. Trong đó, có khoảng 200 cây cho trái ổn định.
Theo anh Toàn, nhãn tím đang được các shop trái cây cao cấp tiêu thụ cho anh giá 150.000 đồng/kg. Vụ thu hoạch hè này, ông Thành thu được trên 3 tấn, bán giá ổn định 150.000 đồng/kg thu về gần 500 triệu đồng.
“Nhãn này có trái bao nhiêu là người ta bao tiêu hết. Năm ngoái, họ bao tiêu chỉ 100.000 đồng/kg thôi. Năm nay thấy thị trường dễ tiêu thụ nên rất hút hàng, đối tác đã nâng giá bao tiêu lên 150.000 đồng/kg.
Hiện có một đối tác chuyên xuất khẩu đã đặt vấn đề bao tiêu hết sản lượng của vườn nhãn nhà tôi để xuất khẩu. Họ đưa ra giá 250.000 đồng/kg. Tôi đang gửi mẫu để họ kiểm nghiệm. Xong xuôi sẽ ký hợp đồng”, anh Tạ Trung Toàn phấn khởi chia sẻ.
Ông Thành cho biết, nhãn tím rất dễ trồng. Cây ít bị sâu bệnh tấn công. Từ lúc trồng đến khoảng 12 tháng là cây bắt đầu trổ hoa nhưng vì cây còn bé nên ông không để cây mang trái. Vì điều này sẽ làm cây bị kiệt sức.
Đến khi cây được 18 tháng tuổi ông mới để nó mang trái nhưng chỉ ít thôi. Mỗi cây ông cho mang chừng 2-3 chùm bông. Đến khoảng 3 tháng là trái chín, mỗi cây sẽ thu hoạch được trên 1 ký. Nhãn tím do đột biến từ nhãn long nên cách chăm sóc hệt như nhãn long trắng.
Mỗi năm cây sẽ tự ra hoa vào mùa thuận từ khoảng tháng ba đến tháng bảy là có thu hoạch. Mùa thuận cây hầu như không cần cung cấp phân bón cũng ra hoa đậu trái rất dễ. Trong quá trình chăm sóc cây nhãn tím ông Thành nhận thấy trái cây dễ bị ruồi vàng tấn công cho nên ông dùng bẫy đèn để bắt mà không dùng hóa chất bảo vệ để nhãn bán được giá.
Sau khi thu hoạch xong, cắt tỉa cành già, cành không hữu hiệu, chăm sóc để cây ra đọt non. Chừng 2-3 cơi đọt là có thể xử lý để cây ra hoa nghịch vụ thu bán vào dịp Tết.
Xử lý ra hoa nghịch vụ rất dễ, khi thấy cây ra đọt già là có thể dùng cưa cưa xung quanh vỏ một vòng tròn đến chừng một tháng khi vết cưa liền lại là cây ra bông. Trong quá trình cưa nhà vườn không nên cưa tất cả các nhánh, phải chừa lại một hai nhánh nhỏ, để cho cây “thở”.
Như vậy, mỗi năm nhà vườn có thể thu hoạch được 2 vụ trái. Mùa nghịch trái sẽ thưa không bằng vụ thuận nhưng lại được giá.
Bên cạnh thể hiện đặc tính dễ trồng, dễ thích nghi với khí hậu địa phương cây nhãn tím còn chịu được nước mặn rất tốt.
Ông Thành chia sẻ, khu vực cù lao An Lộc vừa qua nước có độ mặn 5-6‰ thời gian kéo dài rất lâu nhưng ông thấy cây vẫn không bị ảnh hưởng gì hết. Ông không mất một đồng nào để chở nước tưới cây. Đây là điều ông vô cùng tâm đắc.
“Ngoài yếu tố ít sâu bệnh, dễ trồng thì tôi thấy cây chịu mặn rất tốt. Độ mặn cao nhất ở đây là 6‰ mà nó không hề hấn gì nên tôi rất yên tâm. Nhiều nhà vườn ở Tiền Giang có sầu riêng bị chết do hạn mặn năm nay cũng đến đặt tôi chiết cành để đầu tư trồng cây nhãn này”, ông Thành nói.
Hiện nay, vườn nhãn tím của ông Thành bên cạnh cho thu nhập cao thì còn tạo cảnh quan rất đẹp mắt. Hiện, công ty du lịch Trà Vinh đã đến để đầu tư cơ sở vật chất để tạo địa điểm du lịch sinh thái cho du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Vì cù lao An Lộc nằm bên sông Hậu cách thành phố Cần Thơ chừng 30km nên đây hứa hẹn sẽ là địa điểm du lịch mới hấp dẫn du khách.
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023