Chợ Việt xưa và nay: Cái chợ có từ hồi nào?

Thứ tư - 20/04/2022 22:54
Xuất hiện và tồn tại lâu bền nhất phải chăng chính là cái chợ, khi con người bắt đầu hình thành việc trao đổi hàng hóa phục vụ cho đời sống.
Chợ Việt xưa và nay: Cái chợ có từ hồi nào?
 

Quá trình từ trao đổi đến mua bán, chợ phát triển rộng hơn để đáp ứng được yêu cầu nhiều mặt của cuộc sống.

Quá trình từ trao đổi đến mua bán, chợ phát triển rộng hơn để đáp ứng được yêu cầu nhiều mặt của cuộc sống. Không thể hình dung được trên đất nước Việt Nam ta có bao nhiều cái tên chợ xuất phát từ làng quê hẻo lánh cho đến thị thành đông đúc. Tên chợ gắn liền với tên làng xã, đặc điểm, vị trí, địa danh hay bất cứ điều gì khiến người ta dễ nhớ, như một dạng định vị. Bảo rằng muốn tìm thấy hương vị của cuộc sống thì đi đến chợ quả là không sai, ở đó mọi sự hỉ nộ ái ố diễn ra rất rõ ràng, thanh thiên bạch nhật, nơi đó cũng làm nên ký ức, linh hồn của nhiều người.

Đồng bằng Nam Bộ là vùng đất phẳng, sông nước kênh rạch chằng chịt, nhiều lối nhỏ đường ngang, cầu phà dầy đặc, nên cái chợ ở đồng bằng Nam Bộ cũng có nhiều điểm khác với chợ vùng cao. Người vùng cao thường phải vận chuyển hàng hóa hay những thứ nuôi trồng được từ nhiều nơi khác nhau về một điểm gọi là chợ để trao đổi mua bán, người đồng bằng thường tiện đâu bán đó nên các chợ mọc ra nhiều hơn. Ở ngã ba, ngã tư, đầu cầu hay bến sông, là những nơi dễ dàng nhất để tụ lại làm nên cái chợ.

Xưa là vậy, nhưng bây giờ có khác, khi xã hội phát triển, con người đông hơn nên nhu cầu cuộc sống tăng lên, mọi thứ dần theo những quy luật mới của nó. Cái chợ cũng phải nằm vào những vị trí được quy hoạch để có trật tự, vệ sinh, có nơi còn theo dõi quản lý chất lượng hàng hóa, đảm bảo cho người tiêu dùng. Khi công nghệ phát triển, việc mua bán cũng phải bắt kịp nhịp độ sôi động ấy, các hình thức mua bán bắt đầu chuyển sang di động theo các kiểu, trong từng nơi, từng thời điểm để phục vụ nhu cầu con người.

Tôi đọc sách tản văn “Đong tấm lòng” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, trong đó tác giả mô tả rất sinh động một dạng chợ thương hồ: “Chiếc ghe tưởng nhỏ mà hỏi gì cũng có, từ thịt cá đến rau củ, từ cây kim tây cho đến thùng chứa nước mưa. Họa hoằn vài thứ không sẵn trên ghe, chủ chợ hẹn lại sáng mai mang tới”. Đó không phải thuộc về những câu chuyện cũ trong sách, mà thực tế chợ trôi là các ghe thương hồ tồn tại từ xưa đến nay trên tất cả các dòng sông.

Tương tự như vậy, ở đồng bằng, nơi vàm kinh hay cù lao cách sông, kể cả ở phố có những con đường xa chợ, người ta đặt nhiều thứ hàng hóa thiết yếu lên chiếc xe bằng gỗ có hai bánh, trên đó khi là rau dưa hành tỏi, thực phẩm tươi sống, khi là trái cây, bánh mứt, vải vóc hay hàng tiêu dùng đủ loại… Họ đẩy đi rong ruổi khắp nơi, từ đường rộng thênh thang đến hang cùng, ngõ hẻm.

Chợ có nơi thì ngồi (là những chợ quê ngồi chồm hổm hoặc các chợ nông sản lớn), có chỗ trôi, có chỗ đi, thậm chí là chợ chạy như cách các siêu thị đưa hàng bán lẻ về nông thôn trên các xe ô tô vào những dịp lễ tết hay hội hè nào đó. Kiểu mua bán linh động ấy là tách ra của các hộ nhỏ lẻ, tiểu thương từ các chợ cố định, khác nào hình thức mua bán theo kiểu shiper phục vụ “tận răng” cho khách hàng ở các thành phố lớn.

Tôi thú vị khi nghĩ đến việc cũng cần định danh hẳn hoi các kiểu chợ như vậy. Phải có một hình thức để quy định nó chứ. Văn học miêu tả thường gợi nên hình ảnh, các chợ nổi trên sông như chợ nổi Cái Răng của vùng đất Tây Đô lừng danh một thời, chợ nổi Ngã Năm, chợ nổi Long Xuyên, nơi đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu và vô số các chợ nổi khác rải rác khắp nơi ở đồng bằng Nam Bộ, rất đáng để làm nên một đặc trưng của vùng. Cái chợ, ngoài chức năng mua bán, còn thu hút khách tham quan, du lịch, có khả năng kích cầu cho thương mại và du lịch.

Mở ra thêm một câu hỏi, liệu những nhà đầu tư quy hoạch đã nghĩ gì, làm gì để giữ lại sự tồn tại của kiểu chợ nổi trên sông như lưu giữ một nét văn hóa đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long và phát triển nó lên ở một vị trí có tiềm năng hơn? Ngành du lịch có thể tận dụng hình thức chợ nổi để thu hút khách tham quan, nhưng mục đích chính của chợ vẫn là giao thương mua bán. Để tính toán cho sự sống còn và phát triển của cái chợ đặc trưng như thế không chỉ tùy vào lượng hàng hóa người nông dân làm ra, vào khả năng vận hành của tiểu thương mà cần sự quyết tâm nhiều cấp nhiều ngành trong quản lý và đầu tư, chú trọng theo hướng phát triển kinh tế vùng hay cả nước.

Ngày nay, khi thiết kế bất cứ một công trình nào phục vụ cho nhau cầu dân sinh thì cái chợ là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Các thiết kế sẽ ưu tiên định vị vị trí, tiềm năng, điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông phân phối, các hình thức kinh doanh, bao gồm cả yếu tố văn hóa và thẩm mỹ tác động lên đời sống.

Nhìn lại thời gian qua, kể từ lần thứ 4 đại dịch COVID bùng phát mạnh, tạm thời một vài thành phố phải đóng cửa để dập dịch. Tất cả chợ lớn nhỏ đều phải đóng cửa thì điều gì đã xảy ra? Chúng ta đã rất vất vả trong lưu thông phân phối hàng hóa thiết yếu, ách tắc nhiều khâu sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tiểu thương. Công nghệ hiện đại có thể hỗ trợ con người điều kiện căn bản, như ngân hàng có thể rót tiền vào tài khoản để trả lương, các hoạt động tiền tệ, các khoản thanh toán có thể giao dịch điện tử. Một cái click chuột là có thể hoàn tất việc mua bán, lựa chọn nhiều thứ cần thiết qua các trang mạng điện tử, mua hàng hóa online và được giao hàng đến tận nhà. Nhưng nhiều thứ chỉ có thể xảy ra ở chợ mà không gì thay thế, đó chính là sự giao tiếp giữa người và người.

Các thành phố lớn thường thể hiện mức độ phát triển mạnh mẽ bằng đầu tư vào các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích... Đó là những hình thức mới, tiện nghi, sang trọng đang thu hút và lấn dần sự phồn thịnh của chợ truyền thống, là bộ mặt của nền kinh tế đang phát triển và giao thương mang tính quốc tế.

Chợ truyền thống tồn tại hàng mấy trăm năm có nguy cơ biến mất không? Tôi nghĩ chắc chắn là không. Suy cho cùng, biểu hiện của sự sống chính là tương tác cộng đồng, chợ là một trong những nơi thú vị nhất tạo ra tương tác ấy, lại còn là nơi gìn giữ những giá trị của lao động sản xuất, lưu lại nhiều ký ức, gần gũi với thói quen, nếp sống, tập tục, văn hóa làng quê xưa và nay.

Những ngày Tết cổ truyền của người Việt, quê là nơi để trở về, là cội nguồn, nơi ở tổ tiên, dòng họ và gia đình lớn. Điều thú vị ai cũng muốn, là đi chợ cuối năm sắm Tết. Hỏi Xuân năm nay có sung túc hay không, thì hãy nhìn vào chợ, trên gương mặt của những người bán mua…

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây