Chợ truyền thống ở Hà Nội: Dấu ấn quá khứ với hiện tại

Thứ ba - 18/08/2020 23:01
Martin Rama, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội từng hóm hỉnh: “Sẽ rất buồn nếu có một ngày nào đó, Hà Nội trở thành một Kẻ - trung tâm thương mại, người trung tâm thương mại”. Thực tế, chợ truyền thống vẫn cứ tồn tại bền bỉ bên cạnh các mô hình thương mại hiện đại. Chỉ có điều làm sao để cái không gian kinh tế, văn hóa, xã hội độc đáo đã đi suốt chiều dài lịch sử thành phố sẽ còn đi tiếp với một tâm thế kết nối giữa quá khứ và hiện tại, bồi đắp nét văn minh thương mại chốn Kinh kỳ.
Chợ truyền thống ở Hà Nội: Dấu ấn quá khứ với hiện tại
     Hà Nội từ xưa đã được xem như một “siêu chợ”, hình thành từ mạng lưới dày đặc các chợ phụ cận. Miêu tả của các nhà buôn, nhà báo, bác sĩ... người Pháp đến Hà Nội từ cuối thế kỷ XVII, XVIII, XIX có thể gói trong những hình ảnh ấn tượng: “Đặc biệt đông là những ngày phiên chợ... đôi khi chỉ bước dần được chừng trăm bước trong nửa giờ cũng thấy sung sướng lắm rồi”; “Thành phố có không khí như ngày hội”; “Nom cảnh buôn bán của họ rất lạ mắt, nó đã bày ra trước mắt chúng ta một cảnh náo nhiệt đầy màu sắc”...
000 Hkg10167505
 

    Một cách định lượng, sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi: “Thăng Long thế kỷ XVIII có 8 chợ lớn như chợ Cửa Đông, Cửa Nam, Đình Ngang, chợ Huyện, chợ Bà Đá...”. Đến cuối thế kỷ XIX, một tác giả người Pháp ước tính có tới 50.000 người từ các làng quê ra Kẻ Chợ buôn bán... Lịch sử nước nhà từng ghi nhận tính tất yếu và sức sống mạnh mẽ của “siêu chợ” Thăng Long: Mùa thu năm 1481, để hạn chế dòng di dân mạnh mẽ ra Kinh đô, nhà Lê ra chỉ dụ bắt người buôn bán quay về các làng quê của mình. Nhưng viên quan Quách Đình Bảo đã can thiệp để bãi bỏ chỉ dụ này. Vì theo ông “Kinh sư là gốc của bốn phương, không có bán buôn thì không còn sầm uất, phồn thịnh nữa và chỉ nên bắt về nguyên quán đối với những người tạp cư, còn người chuyên có hàng chợ, cửa hiệu, thuế ngạch thì để họ được cư trú, sinh nhai...”.

   Sau nhiều biến thiên, chợ Thăng Long - Hà Nội vẫn sinh sôi như thế, mang lại cho chốn này sự giàu có về nhiều mặt: Sản vật, con người, tài năng... Từ đây mà dần chắt lọc nên tinh hoa trên nhiều lĩnh vực đời sống; đặc biệt là hình thành văn hóa giao thương nổi tiếng của đất Kinh kỳ. “Ngát thơm hoa sói hoa nhài/ Khôn khéo thợ thày Kẻ Chợ” như nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng từng viết. 

   Vị thế của chợ Hà Nội trong lịch sử, tính độc đáo của chợ Hà Nội, những nét văn minh của chợ Hà Nội trong quá khứ đã góp phần làm nên màu sắc văn hóa, vị thế Thăng Long - Hà Nội, phẩm cách con người nơi đây.   
 

images944001 cho

 
    Từ cái nhìn lịch sử, thấy rõ chợ Hà Nội vì thế không chỉ là “thế giới của đàn bà” mà thực sự là một thế giới phản chiếu đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội có gương mặt, có tâm hồn và gắn bó chặt chẽ với thành phố, đặc biệt là 65 năm qua, kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 đến nay.

   Theo bước chân các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hà Nội, có thể thấy chợ Hôm - Đức Viên là một nhân chứng về việc mở rộng chợ, kết nối các chợ với nhau đáp ứng nhu cầu mua bán tăng nhanh của thành phố do dân số tăng từ sau ngày tiếp quản Thủ đô (tháng 10-1954). Và nhiều chợ khác, từ buổi thưa vắng những năm bao cấp với vài dãy hàng bán theo tem phiếu đến khi hồi sinh những năm đổi mới. Nhiều chợ được xây mới khang trang, kết hợp trung tâm thương mại, tuy đây đó có những mô hình chưa thực sự phù hợp song cuộc chuyển đổi cũng đặt ra những vấn đề tất yếu trong việc phát triển chợ truyền thống theo hướng văn minh hơn.

cho2

     
        Trong một khảo cứu công phu của mình về chợ ở Việt Nam nói chung, chợ ở Hà Nội nói riêng, tác giả Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã cho thấy: “Chợ truyền thống vẫn tồn tại mạnh mẽ trong đời sống xã hội Việt Nam, đóng vai trò chủ yếu, tạo ra việc làm gấp 9 lần so với siêu thị ở Hà Nội (năm 2007). Chợ truyền thống vẫn là một yếu tố vững chắc của cấu trúc làng, không chỉ làng Việt cổ trong quá khứ mà cả làng Việt hiện đại”.

       Bằng quan sát và sự thâm nhập hằng ngày đời sống chợ ở nhiều nơi trong thành phố, có thể thấy rõ điều đó. Chợ Hà Đông (quận Hà Đông) được xem là khu “chợ ký ức” độc đáo vì hiện vẫn bày bán những nông cụ, ngư cụ, vật dụng bằng tre của một thời gian khó như rọ tôm, rọ cá, hom giỏ, nơm... với kiểu dáng, chất liệu như xưa. Anh Nguyễn Công Ích (ngõ 203 Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng) vẫn giữ thói quen lâu lâu đi chợ Đồng Xuân mua kéo, dao và một số đồ dùng bằng sắt. Mà mua là phải mua ở hàng quen, mua thì chả mấy mà nấn ná chuyện trò thì nhiều như một cách đi chơi chợ. Rồi sự xuất hiện các mô hình chợ quê với nhiều đặc sản vùng miền tại các khu đô thị hiện đại cũng là một minh chứng cho việc phát huy những ưu điểm của chợ truyền thống trong thương mại và gắn kết cộng đồng dân cư.

    Hà Nội hiện có hơn 400 chợ được phân loại cụ thể, trong đó có chợ đầu mối, chợ thành thị, chợ nông thôn. Thành phố đã có Quyết định phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” từ năm 2012 (sau đó có bổ sung), tức là đã xác lập cho chợ vị thế trong đời sống xã hội của thành phố. Trong đó nêu rõ “phát triển hài hòa giữa thị trường thành thị và thị trường nông thôn, giữa thương mại truyền thống và hiện đại”.

   Những hạn chế của chợ truyền thống hôm nay đã được các nhà nghiên cứu và mỗi người dân chỉ ra, như: Thiếu văn minh trong ứng xử; hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ; còn tình trạng mất an ninh, an toàn cháy nổ; nạn bảo kê ở chợ đầu mối... Để tiếp tục phát triển cùng với sự đi lên của thành phố, chợ truyền thống phải thay đổi về phương thức quản lý theo hướng chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn và đặc biệt là gìn giữ nét đẹp truyền thống tốt hơn. Không có lý gì khi từ thời cha ông ta, ở Thăng Long đã có Lệ lập chợ với những quy định cụ thể, mà nay ta lại không thể làm tốt hơn. Ví như: “Lại đặt một người khán chợ để coi sóc trong chợ, quét dọn rác”; “làm đình, làm lều không sát nhau quá, phòng khi có hỏa hoạn”; “thấy có nhóm họp bè đảng ức hiếp người mua bán để chuyên lợi cho mình thì phải bắt nạp giải về trị tội”...

    Ngoài ra, như ý kiến của những nhà nghiên cứu thì những khu chợ thực sự truyền thống, với những kiến trúc, cảnh quan độc đáo như cầu, đình chợ cần được bảo tồn, như một di sản quan trọng. Người nước ngoài đến Việt Nam, đến Hà Nội vẫn thích thú tới thăm những phiên chợ truyền thống như một trải nghiệm không thể thiếu. Và Hà Nội cũng như Việt Nam cũng thường dùng hình ảnh chợ truyền thống như một tấm danh thiếp đẹp gửi đến bạn bè quốc tế để quảng bá về đất nước và con người nơi đây.

     Phát triển chợ truyền thống, không có nghĩa là bỏ qua những yếu tố văn minh thương mại. Ngược lại văn minh thương mại cũng không có nghĩa là chỉ xây dựng các trung tâm mua bán mà phủ nhận vai trò của chợ và các yếu tố giao lưu văn hóa của chợ truyền thống.

    Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phân tích: “Những cảm tình của người dân với siêu thị cho thấy hướng tất yếu, phù hợp quy luật của việc phát triển các mô hình chợ cao cấp, hiện đại. Tuy nhiên, đi cùng với đó, đời sống người dân phải được nâng lên, giải quyết tốt các vấn đề lao động, để tránh lãng phí khi chợ xây mới thì đìu hiu mà chợ ngoài trời, tự do lại mọc lên gần đó”.

   Thực vậy, để chợ từ truyền thống đến hiện đại không còn những “đứt gãy và rạn vỡ đáng tiếc”, thì không cách nào hơn là cần bện chặt thêm sợi dây kết nối, mạch kết nối quá khứ và hiện tại của chợ bằng yếu tố văn hóa, văn minh thương mại. Đó là ứng xử văn hóa cả phía người bán và người mua; tổ chức, quản lý chuyên nghiệp, bảo đảm chất lượng hàng hóa; giữ nét truyền thống hài hòa với hiện đại nhằm phát triển kinh tế, du lịch, gìn giữ truyền thống văn hóa đậm sâu của chợ qua hơn nghìn năm ở chốn Kinh kỳ.

 

Nguồn tin: nguoihanoi.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây