Loạt thương hiệu bán lẻ lớn liên tiếp gia nhập thị trường
Cuối tháng 11/2020, MUJI - thương hiệu bán lẻ Nhật Bản đã khai trương cửa hàng flagship kiểu mẫu đầu tiên tại trung tâm quận 1, TP. Hồ Chí Minh - chính thức gia nhập thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam.
Ngay sau khi mở cửa hàng đầu tiên, dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng ông Tetsuya Nagaiwa - Tổng giám đốc MUJI Việt Nam - cho biết, thương hiệu này đặt tham vọng sẽ mở thêm một số cửa hàng khác ở Hà Nội trong thời gian tới.
Trước đó, vào trung tuần tháng 10/2020, cửa hàng đầu tiên thuộc chuỗi dược mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản Matsumoto Kiyoshi cũng đã mở cửa đón khách ở Vincom Đồng Khởi, TP. Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, Matsumoto Kiyoshi dự kiến mở khoảng 10 cửa hàng chuẩn có diện tích 500-2.000m2 trong vòng 3-5 năm tới tại các đô thị lớn Việt Nam.
Ngoài hai thương hiệu kể trên, sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ của Nhật Bản chọn lựa Việt Nam để mở rộng mạng lưới kinh doanh. Theo đó, Miki House - thương hiệu thời trang cao cấp cho trẻ em đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam hồi cuối tháng 2/2020. Tại thời điểm đó, ông Senda Hiroshi - Giám đốc kinh doanh quốc tế Miki House - nhận định, việc mở kinh doanh ở Việt Nam là do công ty nhận thấy có rất nhiều khách du lịch Việt Nam nhiều lần sang Nhật lựa chọn hàng hóa Miki House, và những khách hàng này cũng mong muốn mua được sản phẩm Miki House tại thị trường Việt Nam.
Tương tự, nhãn hàng thời trang nổi tiếng Nhật Bản là Uniqlo vẫn liên tục mở các cửa hàng mới tại các vị trí đắc địa ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội từ đầu năm tới nay. Theo thương hiệu đình đám này, việc họ chọn Việt Nam vì tại đây có nhà máy sản xuất nên sẽ tạo thuận lợi trong kinh doanh, giảm thời gian và chi phí đưa sản phẩm ra thị trường.
Với nhà bán lẻ hiện hữu là Aeon, giữa tháng 12/2020, sẽ khai trương trung tâm mới tại Hải Phòng sau các điểm kinh doanh thành công ở khu vực phía Nam và Thủ đô Hà Nội. Nhà bán lẻ này cũng dự kiến trong vòng 1 năm nữa sẽ xây dựng thêm trung tâm thương mại mới ở TP. Hồ Chí Minh.
Bán lẻ Việt vẫn còn hấp dẫn trong tương lai
Các chuyên gia đánh giá, sở dĩ thị trường bán lẻ Việt hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại là do nền kinh tế Việt Nam luôn vận động không ngừng, nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư linh hoạt, cùng lợi thế từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hay mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trong một dự báo đưa ra gần đây về thị trường bán lẻ Việt các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam - cho biết, các thương hiệu nước ngoài sau một thời gian yên ắng có dấu hiệu quay trở lại tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Hầu hết các thương hiệu mới này tập trung vào mảng mua sắm mang tính trải nghiệm, thời trang thể thao, sức khỏe và sắc đẹp.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi làn sóng đầu tư của Nhật Bản nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng vào Việt Nam đã không ngừng gia tăng cả về số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư trong suốt thời gian qua. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính lũy kế đến hết tháng 10/2020, Nhật Bản có 4.595 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 59,87 tỷ USD. Nguyên nhân chính do Việt Nam đã chứng minh là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện và tiêu chuẩn sống ngày càng được nâng cao.
Mới đây, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra dự báo rằng, xu hướng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao nhờ vào kết quả kiểm soát dịch bệnh Covid-19 rất tốt, an toàn. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khẳng định sẽ chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến hoạt động kinh doanh của họ.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ngày 10/10/2023
Ngày 06/05/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023
Ngày 31/03/2023