Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; khó kiểm soát về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn… khiến nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc “được mùa mất giá”. Vì vậy, cần liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 55000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn liên tục tăng trưởng và đạt tỉnh được nhiều kết quả tích cực với sản lượng lương thực có hạt đạt 39,5 vạn tấn/năm; sản phẩm chăn nuôi sản xuất ra đạt 130 ngàn tấn/năm, gần 30 triệu lít sữa tươi, hơn 500 triệu quả trứng gia cầm, trên 21 ngàn tấn thủy sản…; bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh và cung cấp cho một số tỉnh, thành trong cả nước.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh phúc đã hình thành 15 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
Được thành lập tháng 5-2018, HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo) đã tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và giúp nông dân chủ động về đầu ra. Hiện nay, HTX liên kết với 5 hộ chăn nuôi bò sữa, với 100% đàn bò thuần chủng.
Để từng bước cạnh tranh sản phẩm cùng loại, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, các thành viên HTX cùng nhau góp vốn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại; tất cả các công đoạn, từ sản xuất sữa nguyên liệu tại các hộ chăn nuôi, quá trình thu mua, chế biến sữa đều tuân thủ đúng quy định, bảo đảm giữ được dinh dưỡng sữa tự nhiên và 100% tươi sạch.
Định kỳ, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cử cán bộ xuống cơ sở lấy mẫu giám sát chất lượng; hỗ trợ các hộ chăn nuôi bò sữa áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng ngay từ nguồn nguyên liệu đầu vào; lấy mẫu phân tích kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường.
Hiện nay, mỗi ngày, HTX sản xuất và tiêu thụ khoảng 300 thùng sữa các loại. Sản phẩm của HTX không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh đón nhận mà còn mở rộng thị trường ra một số tỉnh, thành lân cận như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hải Phòng.
Với mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Công ty TNHH sản xuất và phân phối Nông sản sạch OFP (xã Liên Châu, huyện Yên Lạc) là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư thành công trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để bảo đảm luôn có rau thu hoạch và cung cấp sản phẩm sạch tới người tiêu dùng, công ty thực hiện trồng luân canh gối vụ hơn 10 sản phẩm chính gồm các loại rau ăn lá phù hợp theo mùa vụ; thực hiện quy trình kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất tới khâu sơ chế, đóng gói, vận chuyển; áp dụng công nghệ hiện đại trong các khâu tưới tiêu, bảo quản.
Nhờ hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ, các sản phẩm của OFP được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất - kinh doanh mặt hàng nông sản; đồng thời đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các đối tác như hệ thống siêu thị Aeon Mall, CoopMart, Metro...; các nhà cung cấp thực phẩm cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội như: Công ty cổ phần Thực phẩm Ngôi Sao Xanh, Công ty TNHH Thực phẩm Nguyên Phong, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam...
Đó chỉ là 2 trong số ít các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết. Theo ông Bùi Như Ý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô liên kết còn nhỏ; các hình thức liên kết chưa đa dạng, đồng bộ; tính pháp lý, mối quan hệ ràng buộc giữa các tác nhân tham gia liên kết chưa chặt chẽ dẫn đến thiếu ổn định và hiệu quả chưa cao.
Hầu hết các liên kết thực hiện theo hình thức thỏa thuận, thời gian thực hiện ngắn, chưa xây dựng được dự án, phương án hoặc hợp đồng liên kết lâu dài, ổn định, bền vững. Nguồn lực, cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các mô hình liên kết chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, mở rộng sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm chưa nhiều. Vì vậy, việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là yếu tố tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.