Phát triển thương mại có vai trò quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng hóa cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.
Để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông. Đồng thời, xây dựng, bổ sung, cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ, cửa hàng thương mại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống thương mại, cung ứng hàng hóa, mở rộng được thị phần, đưa các hàng hóa, nhất là hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Cùng với chợ, hệ thống cửa hàng thương mại, các địa phương vùng sâu, vùng xa còn quan tâm đầu tư, khuyến khích các hộ dân ở các trục đường chính, khu vực đông dân cư đầu tư, phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ, giúp nâng cao khả năng cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, thúc đẩy trao đổi hàng hóa.
Những năm qua, huyện Quan Hóa đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường liên thôn, liên xã; mở rộng diện tích và bê tông hóa mặt bằng các chợ xã, chợ phiên; xây dựng thêm các điểm kinh doanh. Chỉ đạo các ngành, đoàn thể động viên người dân vay vốn đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ, thương mại. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp phép kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh được thực hiện đúng quy trình, thời gian quy định. Thực hiện công khai, dân chủ trong chính sách thuế, niêm yết kịp thời mức thuế môn bài và thuế kinh doanh hàng hóa để các hộ dân có thể đối chiếu, so sánh khi tham gia nộp thuế, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích cá nhân và nghĩa vụ đối với Nhà nước. Nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển thương mại nói chung và phát triển thương mại cho các xã vùng sâu, vùng xa nói riêng, nên đã thu hút được nhiều hộ kinh doanh mở rộng sản xuất, kinh doanh đa dạng hóa các ngành nghề, như: Mộc, may mặc, vận tải, điện tử, xăng dầu, nhà hàng ăn uống, lương thực, thực phẩm.
Đồng hành cùng các địa phương trong phát triển thương mại, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam về các xã vùng sâu, vùng xa bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức các chuyến xe lưu động bán hàng Việt; tổ chức các phiên chợ hàng Việt; các chương trình bán hàng bình ổn giá... Các hoạt động này đã tạo điều kiện cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa được tiếp cận, mua sắm và nhận biết được hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả phù hợp. Cùng với đó, Sở Công Thương cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm, các chương trình kết nối giao thương nhằm quảng bá hàng hóa nông sản của địa phương và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng. Nhờ đó, đã giúp thay đổi dần thói quen tiêu dùng của bà con và nhận thức của doanh nghiệp đối với thị trường miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Việc đầu tư phát triển thương mại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế cho các địa phương miền núi, nâng cao đời sống người dân. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là việc mua bán của người dân ngày càng thuận lợi.
Mặc dù đã quan tâm đầu tư phát triển thương mại cho vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên, hiện Thanh Hóa vẫn còn nhiều bất cập, như: Hệ thống chợ chưa được đầu tư đúng mức; các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, hàng hóa chưa dồi dào, vẫn có những mặt hàng chưa đảm bảo chất lượng... Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam về nông thôn, miền núi còn ít, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giao lưu hàng hóa hai chiều.
Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại từ nguồn vốn ngân sách, ngành công thương và các địa phương tỉnh Thanh Hóa sẽ huy động các nguồn lực xã hội khác để tăng nguồn đầu tư. Bên cạnh đó, bám sát các chương trình, nhất là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, để đẩy mạnh việc đưa hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý đến các khu vực khó khăn, vùng sâu, xa trên địa bàn tỉnh.