Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, tạo việc làm cho lao động địa phương, anh Lê Trọng Thiện (xã Đông khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã tự tìm tòi, sáng tạo để phát triển mô hình trồng nấm sạch, đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ), mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cảm hứng từ HTX
Sau 5 năm phát triển, mô hình trồng nấm của anh Lê Trọng Thiện đang có những bước phát triển ổn định, liên tục tăng trưởng mạnh, với doanh thu bình quân 2 – 3 tỷ đồng/năm, quy trình sản xuất được hoàn thiện với các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm được đảm bảo.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình trồng nấm của anh đang tạo việc làm ổn định cho 4 lao động thường xuyên, với mức thu nhập 8 – 10 triệu đồng/người tháng. Ngoài ra, trong những đợt cao điểm, mô hình cũng tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ, mức thu nhập 3 – 5 triệu đồng, tùy theo khối lượng công việc.
Chia sẻ về thành công của mình, anh Lê Trọng Thiện chia sẻ tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân kế toán, tìm được công việc ổn định đúng chuyên ngành, nhưng khao khát khởi nghiệp, tự thân làm giàu đã thúc đẩy anh thay đổi con đường đã chọn.
“Năm 2014, tình cờ biết đến HTX nấm Đông Hòa, chứng kiến quy trình trồng nấm của thành viên HTX, tôi đã tìm hiểu và quyết định phát triển mô hình trồng nấm an toàn”, anh Thiện cho hay.
Cảm hứng từ HTX nấm Đông Hòa giúp anh Thiện quyết tâm khởi nghiệp, nhưng sự khởi đầu chưa bao giờ là dễ dàng. Anh ngay lập tức gặp phải vô vàn khó khăn, từ vốn sản xuất, kỹ thuật, đến thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, khó khăn không nản, anh đã dừng công việc sản xuất để tập trung nghiên cứu kỹ thuật và tham quan một số trại trồng nấm trong và ngoài tỉnh, từ đó nắm chắc quy trình sản xuất nấm an toàn, đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, ATLĐ…
Nhờ định hướng đi đúng, thành công sau đó đã “mỉm cười” với anh Thiện. Anh đã sản xuất thành công hơn 20 nghìn phôi nấm các loại, từ những loại nấm được trồng đại trà như sò trắng, sò nâu,... đến những loại nấm đòi hỏi kỹ thuật, có giá trị kinh tế cao như nấm linh chi, nấm hoàng đế...
Sản phẩm nấm của anh đang được cung cấp cho 4 cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP. Thanh Hóa, và đang được xúc tiến đưa đi các tỉnh, thành khác trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Cơ giới hóa gắn với ATLĐ
Năm 2018, anh Thiện cùng cộng sự thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị công nghiệp Việt. Không dừng lại ở sản xuất, tinh thần sáng tạo đã đưa anh Thiện đến với lĩnh vực chế tạo máy và đạt được những thành công vượt ngoài mong đợi.
Đến nay, anh Thiện cùng đồng nghiệp đã sản xuất thành công 7 loại máy trong dây chuyền sản xuất phôi nấm, như: Máy sàng mùn cưa và phá bịch nấm thải, máy trộn nguyên liệu...
Đặc biệt, có 2 loại máy độc quyền được anh Thiện nghiên cứu để khắc phục một số hạn chế so với các loại máy trên thị trường là máy đóng bịch trục quay và lò hấp phôi nấm tự động.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Thiện cho biết: “Thời gian tới, áp dụng dây chuyền tự động trồng nấm, tôi sẽ sản xuất 30 - 40 nghìn bịch phôi các loại nấm có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, lắp ráp các loại máy trong dây chuyền cấy giống nấm tự động và hệ thống đóng nắp bịch giống”.
Quá trình cơ giới hóa sẽ gắn với đảm bảo sản xuất an toàn nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, đồng thời nâng cao ATLĐ cho người sản xuất, mang lại sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng.
Với mong muốn hướng nghiệp cho bạn trẻ, anh Thiện đã xây dựng Đề án “Máy tự động trồng nấm kết hợp nông trại trải nghiệm”. Dự tính trong năm 2020 sẽ triển khai thực hiện.
“Trong mọi thời điểm, hiện đại hóa luôn phải gắn với ATLĐ và nâng cao chất lượng sản phẩm, khi những yếu tố này được duy trì sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững cho các mô hình”, anh Lê Trọng Thiện nhấn mạnh.