Sức hấp dẫn của Hải Phòng trong mối liên kết vùng

Thứ ba - 01/10/2019 05:50
Là thành phố lớn thứ ba cả nước, với đủ 5 loại hình giao thông, đặc biệt có cảng cửa ngõ quốc tế lớn nhất miền Bắc, tự thân Hải Phòng đã có sức hấp dẫn. Nhưng để biến tiềm năng lợi thế đó thành tiềm lực kinh tế xã hội, Hải Phòng nỗ lực không ngừng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặt sự phát triển của Hải Phòng trong sự phát triển chung của cả vùng. Vì thế, sự hợp tác, liên kết của Hải Phòng với các địa phương trong vùng và cả nước ngày càng chặt chẽ, hiệu quả cao.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hải Phòng đi các địa phương khác.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hải Phòng đi các địa phương khác.

Kết nối thuận tiện, hợp tác chặt chẽ

Hệ thống cảng biển Hải Phòng có từ hàng trăm năm nay nhưng chỉ tới khi Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được đầu tư xây dựng và hoàn thành 2 bến khởi động trong năm 2018, vai trò của cảng nước sâu duy nhất phía Bắc tại Hải Phòng mới thật sự phát huy những tác dụng to lớn. Từ đây, hàng hóa xuất, nhập khẩu của cả miền Bắc có thể đi thẳng tới các nước châu Mỹ, châu Âu mà không phải qua các cảng trung chuyển như trước. Đại diện Cảng Công-ten-nơ quốc tế Hải Phòng (HITC) cho biết, sự hiện diện của 2 bến cảng mới, đón được những con tàu lớn 130.000- 140.000 tấn đã rút ngắn thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi bờ Tây Hoa Kỳ và Canađa từ 25 ngày xuống 17 ngày so với phương án trung chuyển tại cảng nước ngoài như trước đây. Điều này, không những giúp khách hàng giảm đáng kể chi phí logistics mà còn làm thay đổi hoàn toàn bức tranh khai thác cảng và vận tải biển ở miền Bắc Việt Nam, tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam và các doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Để tăng thêm sức hấp dẫn của cảng, trong chiến lược phát triển, Hải Phòng luôn chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư hiện đại hóa hệ thống giao thông và các dịch vụ sau cảng, bao gồm hệ thống đường bộ cao tốc; cảng hàng không quốc tế Cát Bi; hệ thống đường thủy nội địa và đường sắt cùng Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải và một loạt khu công nghiệp lớn, hiện đại, tầm cỡ. Thời gian di chuyển từ các tỉnh, thành phố khác về Hải Phòng được rút ngắn đáng kể như chỉ mất 1 giờ tới Hà Nội; 25 phút sang Quảng Ninh; 30 phút tới Hải Dương; 45 phút tới Hưng Yên; 1,5 giờ tới Thái Bình… Năng lực khai thác của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi không ngừng tăng nhanh khi thu hút một lượng khách đáng kể từ các địa phương trong vùng với một tần suất dày đặc các chuyến bay trong nước và quốc tế. Sự kết nối thông thương thuận tiện đó thu hút một lượng hàng xuất nhập khẩu của các tỉnh, thành phố phía Bắc qua Cảng Hải Phòng, dự kiến lên tới hơn 110 triệu tấn vào năm 2019 và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Kéo theo đó là hàng nghìn doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài tới đầu tư tại Hải Phòng với tổng số vốn đăng ký lên tới 17,5 tỷ USD vốn FDI và hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Cũng chính vì sự thuận tiện trong kết nối giao thông mà các tỉnh trong vùng như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Thủ đô Hà Nội cũng có sự đột biến trong thu hút đầu tư nhờ lợi thế gần cảng biển Hải Phòng. Các tua, tuyến du lịch cũng ngày càng rộn ràng hơn. Nhiều khu vui chơi giải trí của Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội… dường như không có sự ngăn cách về mặt địa lý, lượng khách du lịch tăng cao qua từng năm.
Điều đáng nói là Hải Phòng và các địa phương trong vùng và miền Bắc, cả nước luôn có sự chủ động để cùng hợp tác, liên kết phát triển. Với tinh thần khẩn trương, ngay sau khi Nghị quyết (NQ) 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố liên kết vùng, Hải Phòng thực hiện ngay nhiều dự án, công trình giao thông kết nối với các địa phương. Không chỉ kết nối giao thông, Hải Phòng và các địa phương trong vùng cũng sớm bàn bạc và thống nhất các chương trình, kế  hoạch cụ thể để hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, cả phát triển kinh tế xã hội cũng như giữ vững quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng, vận động quần chúng… Cụ thể là hợp tác trong phát triển kinh tế biển; cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp; đào tạo và cung cấp nhân lực cho các khu kinh tế, khu công nghiệp; kết nối phát triển du lịch; thu ngân sách, thu hút đầu tư; xúc tiến thương mại, kết nối thị trường; phát triển khu công nghiệp tại các địa bàn giáp ranh… Sự liên kết, hợp tác đó giúp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó có Hải Phòng đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước; đóng góp hơn 31,7% GDP cả nước; là vùng đầu tiên của cả nước có tất cả các tỉnh, thành phố điều tiết ngân sách về Trung ương, đồng thời cũng là khu vực có dịch vụ tăng trưởng mạnh nhất; nhiều lĩnh vực đứng nhất, nhì cả nước…

Hướng về Hải Phòng cùng phát triển   

Với nền tảng quan trọng đó, đặc biệt là thực hiện NQ 45 của Bộ Chính trị, mối liên kết giữa Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trong vùng, miền Bắc và cả nước sẽ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả cao. Các cuộc làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng với Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trong vùng gần đây đều xác định rõ quan điểm: xây dựng và phát triển Hải Phòng không chỉ vì Hải Phòng mà vì các địa phương trong vùng và cả nước. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội lớn, thúc đẩy sự phát triển bứt phá của Hải Phòng và các địa phương trong vùng, trong đó Hải Phòng giữ vai trò động lực. Nhiều chương trình hợp tác mới đang được các địa phương khẩn trương phối hợp triển khai như xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng; tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh qua Hải Phòng tới tận Ninh Bình, Thanh Hóa; hợp tác kết nối các tua, tuyến du lịch; cung cấp nguyên liệu, nông sản cho các nhà máy chế biến; phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực; xúc tiến đầu tư, thương mại… Từ đó, vai trò động lực phát triển của Hải Phòng ngày càng rõ nét, được phát huy mạnh mẽ, kéo theo sự phát triển của cả vùng, cả miền Bắc và cả nước.
Một số công trình đã và sắp được khởi công: cầu sông Hóa nối huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và huyện Thái Thụy (Thái Bình);  cầu Quang Thanh nối huyện An Lão (Hải Phòng) với huyện Thanh Hà (Hải Dương); cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với huyện Kinh Môn (Hải Dương) và sắp tới sẽ là những cây cầu khác gắn với hệ thống đường bộ, đường sắt thuận tiện như cầu Nghìn 2 nối Hải Phòng - Thái Bình; cầu Rừng nối Hải Phòng- Quảng Ninh…

Nguồn tin: baohaiphong.com.vn:

 Tags: hải phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thành viên liên kết
HTX Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Nam
bcsmart
Liên hiệp HTX Ocop Việt Nam
GMG
ocopshop
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây