Liên kết sản xuất là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ, nhằm hạn chế rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, chủ động đầu ra cho sản phẩm để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Tha, tỉnh Phú Thọ là một trong những đơn vị triển khai tốt liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chính vụ, trái vụ như bắp cải, cà chua, dưa leo, mướp đắng… Trước đây, người dân ở Tứ Xã sản xuất nông nghiệp theo hướng truyền thống, quy mô nhỏ, không tập trung, sản phẩm chủ yếu bán lẻ ở các chợ đầu mối hoặc phục vụ nhu cầu gia đình nên không có lãi. Anh Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX rau an toàn Tứ Xã cho biết: “Từ khi tham gia vào HTX, người dân được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn như sử dụng thuốc bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm đúng cách giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại năng suất cao hơn trước. Quan trọng hơn, sản phẩm sản xuất ra được ký kết hợp đồng bao tiêu với các trường học, doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng với giá cao hơn thị trường từ 1.500 - 2.000 đồng/kg”. Cùng với đó, tư duy sản xuất và nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn, tạo nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe, đáp ứng nhu cầu thị trường được nâng lên. Hiện nay, mô hình liên kết sản xuất rau sạch ở Tứ Xã có sự tham gia của 100 hộ với diện tích trồng quanh năm trên 12ha, trung bình mỗi sào cho thu nhập 14 - 15 triệu đồng/năm.
Việc liên kết sản xuất tạo thành tổ, nhóm sản xuất không chỉ tạo nên quy mô sản xuất lớn, đảm bảo về số lượng, chất lượng sản phẩm đồng đều mà còn tạo cơ hội để người dân học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất. Điển hình như mô hình chăn nuôi gà đồi ở xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê đã xây dựng được đội ngũ người làm chăn nuôi chuyên nghiệp với hơn chục thành viên, tất cả đều thành thạo kỹ thuật. Anh Nguyễn Thành Nhân ở khu 5 chia sẻ: “Đa số các thành viên đều nuôi gà với số lượng lớn, quy mô từ 2.000 - 4.000 con/lứa nên khi tiêm phòng, cắt mỏ, xuất bán sản phẩm cần nhiều nhân lực, nếu cứ thuê trắng thì lợi nhuận chẳng còn là bao. Từ khi thành lập nhóm liên kết sản xuất, chúng tôi sẽ lên lịch, sắp xếp thời gian để đổi công giúp nhau; đồng thời sẽ cùng mua con giống, thức ăn và thuốc thú y để được chiết khấu về giá và giảm chi phí vận chuyển”.
Ngoài ra, chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức liên kết sẽ giúp các nông hộ kiểm soát được dịch bệnh do tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh, nhất là vào các thời điểm giao mùa. Hiện nay, các hộ trong nhóm liên kết chủ yếu nuôi giống gà Lạc Thủy, gà lai chọi mua ở các đơn vị sản xuất giống có uy tín, chất lượng trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Với giống gà này, người dân thực hiện quy trình nuôi trong thời gian từ 4 - 4,5 tháng để đảm bảo chất lượng thịt và trọng lượng sản phẩm. Để có địa vị pháp lý trong giao dịch và hoạt động thuận tiện, mới đây, tổ liên kết chăn nuôi gà đã thành lập HTX chăn nuôi gà đồi Phú Khê với sự tham gia của 13 thành viên với quy mô nuôi thường xuyên khoảng 5 vạn con/lứa. Thời điểm này, các hộ đang tập trung xuất bán, chuẩn bị vào giống lứa gà mới phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Liên kết sản xuất trong nông nghiệp thông qua các hình thức nhóm, tổ sản xuất, HTX đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay việc liên kết sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế bởi đa phần các mô hình liên kết chủ yếu là giữa các hộ dân với nhau, việc liên kết giữa các hộ với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm còn hạn chế. Để việc hợp tác, liên kết sản xuất đạt kết quả tốt, thời gian tới, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các chính sách, cơ chế hỗ trợ giúp người dân xây dựng các mô hình liên kết tập trung quy mô lớn, gắn với các sản phẩm chủ lực ở từng địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững.