Những năm qua, chanh không hạt đang cho hiệu quả cao và dần trở thành một trong những cây kinh tế chủ lực trên địa bàn huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An). Để đảm bảo lợi ích bền vững, huyện đang chú trọng phát triển các mô hình theo hướng hiện đại gắn với an toàn lao động.
Hiệu quả vượt trội
Ông Nguyễn Kim Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa, cho hay toàn huyện hiện có trên 343 ha trồng chanh không hạt theo hướng an toàn, tăng 26,3 ha so với năm 2018.
Trên 80% diện tích chanh trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn thu hoạch, năng suất bình quân đạt 18 - 20 tấn/ha/năm. Nhờ lợi nhuận từ cây chanh mà đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện được cải thiện, an toàn lao động được nâng cao.
Gia đình anh Trần Quốc Quân (huyện Thạnh Hóa) đang gặt hái nhiều thành công với mô hình trồng chanh không hạt. Năm 2010, anh trồng thử nghiệm 450 nhánh chanh không hạt, sau một thời gian chanh nẩy chồi phát triển xanh tốt.
Trên nền tảng kiến thức đã có, anh Quân trang bị thêm kỹ năng, kiến thức để tự nhân giống, mở rộng diện tích trồng chanh theo hướng an toàn. Đến nay, anh đã nhân rộng và sở hữu 1.500 gốc chanh không hạt, với diện tích 3,5 ha.
Theo anh Quân, chanh không hạt trồng trong vòng 20 tháng là cho trái. Giống chanh này cho trái quanh năm, từ năm thứ ba, đến năm thứ tư bắt đầu sai trái, trung bình mỗi cây trên 1.000 trái, khoảng 70-100 kg/cây/năm. Chanh không hạt trái to, 6-7 quả/kg, vỏ mỏng màu xanh sáng, nhiều nước và vị chua có mùi thơm.
Trồng chanh không hạt có thể thu hoạch trên 10 năm cây mới bị lão hóa. Giá bán quả tại vườn dao động từ 8.000-9.000 đồng/kg, có lúc lên tới 42.000 đồng/kg vẫn không có đủ đáp ứng theo đơn đặt hàng.
“Chanh đang đem lại thu nhập cho gia đình tôi gần 2 tỷ đồng/năm. Không chỉ lợi ích về kinh tế, trồng chanh theo hướng an toàn còn giúp chúng tôi thay đổi tư duy, chú trọng hơn đến khoa học – kỹ thuật, an toàn lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường”, anh Quân nhấn mạnh.
Đẩy mạnh liên kết
Để nâng cao hiệu quả, những năm qua, huyện Thạnh Hóa đã tích cực tuyên truyền, vận động người trồng chanh thành lập, tham gia các HTX, tổ hợp tác, đẩy mạnh liên kết trồng chanh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
HTX nông nghiệp Thuận Bình (xã Thuận Bình) đang là một điển hình trong liên kết trồng chanh theo hướng an toàn mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, nâng cao lợi ích về môi trường và đảm bảo an toàn lao động cho thành viên.
Sau gần 10 năm thành lập, đến nay, HTX có 33 thành viên. Tổng diện tích đất trồng chanh không hạt đạt hơn 76 ha, trong đó, có 35 ha được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ông Bùi Văn Khắp - Giám đốc HTX, cho biết: “Để gia tăng giá trị, HTX đã chủ động liên kết với công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp GAPFOOD ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Với chanh không hạt, nông dân có thể thu lãi trung bình khoảng 200 triệu đồng/ha/năm”.
Nhờ liên kết, mỗi năm, HTX nông nghiệp Thuận Bình tổ chức bao tiêu 1.200 - 1.500 tấn chanh cho thành viên, hộ dân liên kết. Đổi lại, các thành viên HTX phải tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất an toàn, an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt.
Sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đang giúp các mô hình trồng chanh trên địa bàn huyện Thạnh Hóa nâng cao hiệu quả, phát triển theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, từ đó đảm bảo giá trị bền vững, mang lại những lợi ích thiết thực về môi trường, an toàn lao động.