Trong 3 năm qua, khu vực kinh tế hợp tác huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) liên tục bứt phá mạnh mẽ, khi số lượng Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác liên tục gia tăng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội, trở thành điểm tựa xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Vy Kim Truyền - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Cách đây 2 năm, huyện Tràng Định chỉ có 1 HTX chế biến lâm sản duy trì hoạt động. Từ sau năm 2017, cùng với nhu cầu liên kết sản xuất xuất phát từ thực tiễn, các mô hình HTX trên địa bàn huyện liên tục ra đời, phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô”.
Những năm qua, nhờ linh hoạt “đi tắt đón đầu”, các HTX huyện Tràng Định đang phát huy tốt tiềm năng, lợi thế vùng miền để tập trung đầu tư, phát triển. Điển hình như HTX Dũng Tiến (xã Quốc Khánh) với mô hình trồng chanh leo; HTX Hữu Hiệu (xã Chí Minh) với mô hình trồng mía; HTX nông lâm sản Tràng Định…
Gia tăng HTX
Bên cạnh nâng cao chất lượng hoạt động, số lượng các HTX cũng tăng lên đáng kể. Tính riêng năm 2018, trên địa bàn huyện đã có 8 HTX thành lập mới với 91 thành viên, nâng tổng số HTX trên địa bàn lên con số 16.
Thu nhập bình quân của các thành viên, người lao động trong HTX cũng liên tục được tăng lên, đạt bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/ tháng. Bên cạnh đó, đến nay, trên địa bàn huyện cũng có 39 THT với 303 thành viên.
Năm 2017, HTX Mu Hom (xã Kháng Chiến) được thành lập, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn thịt (lợn rừng lai chăn thả tại đồi). Với lợi thế đồi rừng, chủ động thức ăn cộng với việc chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm của các thành viên trong HTX nên tổng đàn phát triển nhanh chóng.
Giám đốc HTX - ông Lương Thanh Tuấn, cho biết: “Ban đầu HTX có hơn 100 con, gồm cả lợn nái và lợn thịt. Đến nay, tổng đàn lên tới trên 400 con. Tháng 8/2018, HTX bắt đầu bán lợn thịt và tính đến nay, doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng”.
Tại xã Cao Minh, để phát huy lợi thế về cây quế, xã đã tổ chức hợp nhất 8 THT trên địa bàn để thành lập HTX quế Cao Minh.
Sự ra đời của HTX đã bước đầu khắc phục được những hạn chế trong cách sản xuất cũ, khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh, các phương thức sản xuất an toàn được áp dụng, mang lại hiệu quả và sự an toàn cao cho người sản xuất.
Ông Hồ Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Cao Minh, chia sẻ: “HTX quế ra đời đã thay đổi tư suy sản xuất của người dân, từ lạc hậu manh mún sang sản xuất khoa học, chú trọng liên kết, đồng thời, có đóng góp quan trọng giúp xã hoàn thành tiêu chí 13 về hình thức sản xuất trong xây dựng NTM”.
Tạo chuyển biến trong nông thôn mới
Nhờ hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác (THT), xã Cao Minh đặt mục tiêu hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) trong năm 2019, trước kỳ hạn 1 năm.
Để có được thành công trong thời gian qua, bên cạnh tuyên truyền, tập huấn, để hỗ trợ các HTX vươn lên phát triển, huyện còn chủ động hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng các mô hình kinh tế điểm hiệu quả.
Kể từ năm 2017, lồng ghép các nguồn vốn thuộc chương trình xây dựng NTM, huyện đã hỗ trợ mô hình HTX trồng quế ở xã Cao Minh 406 triệu đồng; hỗ trợ 800 triệu đồng hệ thống tưới và hệ thống giàn chanh leo cho HTX Dũng Tiến; hỗ trợ trên 1 tỷ đồng nhân rộng mô hình trồng chanh leo của THT Chi Lăng…
Với sự năng động của các HTX và sự hỗ trợ của Nhà nước, các mô hình kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện Tràng Định bước đầu đã phát huy được hiệu quả, qua đó góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng NTM chung trên địa bàn.
Đến nay, Tràng Định đã có 4 xã đạt chuẩn xây dựng NTM, bình quân mỗi xã đạt 9,77 tiêu chí; 2 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; 16 xã đạt 5 - 9 tiêu chí và không có xã dưới 5 tiêu chí.
Năm 2019, huyện Tràng Định có xã Hùng Sơn đăng ký đạt chuẩn. Đến nay, xã đã đạt 10 tiêu chí, còn 9 tiêu chí chưa đạt, gồm: Giao thông, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, hộ nghèo, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.