Từ cây mọc dại trong tự nhiên, những năm gần đây, cây bồn bồn được người dân Cà Mau mở rộng trồng chuyên canh đã góp phần nâng cao đáng kể thu nhập. Đặc biệt, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm bồn bồn Cà Mau dần khẳng định giá trị và có đầu ra ổn định hơn.
Đề cập đến “cái nôi” của cây bồn bồn ở Cà Mau, phải nói đến huyện Cái Nước. Theo người dân địa phương, trước đây khi còn làm lúa mùa, cây bồn bồn vẫn “chen chân” giành đất sống với lúa. Thời đó, cây bồn bồn bị coi là loài cây dại, không có giá trị kinh tế. Đến khi chuyển đổi qua nuôi tôm, huyện Cái Nước bị mặn hóa, cây bồn bồn mất dần đất sống. Rồi quốc lộ 1 hình thành đã làm một phần diện tích đất canh tác nông nghiệp của huyện Cái Nước thuộc các xã Tân Hưng Đông, Hưng Mỹ... dần ngọt trở lại. Độ mặn thấp dần đã đẩy con tôm sú lùi xa và cây bồn bồn từ từ “lên ngôi” trở lại.
“Chúng tôi tự phát trồng rồi đưa ra hai bên đường bán đã khoảng 10 năm nay. Khách đi lại trên tuyến quốc lộ 1 nhiều nên bà con sống khỏe. Giá bồn bồn tươi thương phẩm khoảng 20.000-25.000 đồng/kg; dưa bồn bồn có giá 50.000-60.000 đồng/kg”- bà Lê Thị Lệ, ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tình Cà Mau cho biết.
Không chỉ có ở Cái Nước, gần đây, người dân sống tại vùng đệm rừng U Minh hạ (Cà Mau) cũng có thêm thu nhập từ cây bồn bồn. Theo ông Quách Minh Hòa, ở xã Khánh An, huyện U Minh, cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào trồng rừng sản xuất, mỗi chu kỳ thu hoạch khoảng 5 năm. Trong thời gian này, người dân canh tác mỗi năm 2 vụ lúa trên một phần diện tích để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, do đây là vùng đất trũng, nhiều phèn nên năng suất lúa không cao. Để cải thiện cuộc sống, nhiều hộ đã chuyển sang trồng bồn bồn để có thêm thu nhập.
“Trên diện tích 1ha, trước đây mỗi vụ lúa, gia đình tôi chỉ thu được khoảng 100 giạ. Sau khi trừ chi phí, vụ nào trúng mới được 10 triệu đồng. Làm mãi không khá nên 2 năm nay tôi chuyển đổi qua trồng bồn bồn. Hiện mỗi tháng gia đình tôi đang có nguồn thu khoảng 30 triệu đồng. Tính hết các khoản chi phí, gia đình tôi lời hơn 10 triệu đồng/tháng. Cây bồn bồn dễ trồng, tới mùa mưa là tự sinh sôi, tôi bứng ra trồng thêm, chỉ khoảng 1 tháng sau là có thu. Công chăm sóc chủ yếu là rải thêm phân để cây nở nhanh, nhàn hơn làm lúa mà nguồn thu cao hơn 3-4 lần”- ông Hòa chia sẻ.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Sản phẩm bồn bồn Cái Nước - Cà Mau” cho tỉnh Cà Mau. Thương hiệu sản phẩm ẩm thực bồn bồn từ đó dần được khẳng định và phổ biến rộng rãi, không chỉ giá trị mà nhu cầu tiêu thụ loại cây này cũng tăng lên. Người dân vùng “thủ phủ” trồng bồn bồn huyện Cái Nước và những nơi khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau càng có điều kiện nhân rộng. Tại huyện Cái Nước, từ diện tích tự phát ban đầu chỉ vài héc-ta nay đã có hơn 160ha chuyên canh bồn bồn.
Ông Nguyễn Hoàng Đạo, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông - địa phương có diện tích trồng bồn bồn nhiều nhất huyện Cái Nước, cho biết: “Bình quân thu nhập của mô hình đạt khoảng 100 triệu đồng/héc-ta/năm vì ngoài cây bồn bồn, bà con còn có nguồn thu từ cá đồng tự nhiên. Huyện Cái Nước cũng đang triển khai Đề án nâng cao hiệu quả cây bồn bồn, hứa hẹn sẽ giúp người trồng phát triển bền vững hơn. Đặc biệt, theo hướng đa cây, đa con, ngoài trồng bồn bồn, chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân kết hợp trồng thêm cây ăn trái trên bờ bao và thả nuôi thêm các loại cá phù hợp để tăng thu nhập”.