Cùng nhìn lại lịch sử phát triển từ vùng hoang vu Đông Xuyên tới tỉnh lỵ Long Xuyên (nay là TP Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang) - một trong những đô thị sầm uất nhất của đồng bằng sông Cửu Long, và xem những hình ảnh hiếm có về Long Xuyên thập niên 1920 do người Pháp thực hiện.
Dưới triều Gia Long (1802-1820), việc khai khẩn bờ phía tây sông Hậu được đẩy mạnh, sự xâm nhập của cư dân người Việt vào vùng đất Đông Xuyên ngày càng mạnh mẽ hơn do triều Nguyễn ban hành nhiều chỉ dụ khuyến khích mọi người khai hoang. Đặc biệt, sau khi đào vét lại sông Đông Xuyên nối hữu ngạn sông Hậu ra biển Tây tại Rạch Giá, ghe qua lại thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, đảm bảo việc tưới tiêu, rửa đất; cư dân người Việt, Hoa từ các vùng khác lũ lượt kéo đến, khiến cho Đông Xuyên trở nên đông đúc, dẫn đến sự ra đời của thôn Bình Đức và thôn Mỹ Phước vào năm 1818. Nhờ giao thông đường thủy thuận lợi, chợ Đông Xuyên sớm trở thành đầu mối giao lưu hàng hóa, hoạt động thương mại phát triển.
Về sau, để cai trị và kiểm soát, Pháp chia tỉnh An Giang ra thành nhiều hạt Thanh tra. Ngày 27-5-1868, Thống đốc Nam Kỳ “trích các làng thuộc hạt Thanh tra Châu Đốc, phía dưới Vàm Nao, nằm giữa hạt Thanh tra Rạch Giá, Cần Thơ và Sa Đéc thành lập hạt Thanh tra thứ 28 là Long Xuyên”, do Thanh tra hải quân Alexandre cai quản. Chợ Đông Xuyên được chọn làm trung tâm chính trị, kinh tế của hạt, bởi có vị trí quan trọng về phương tiện giao thông. Và, địa danh Long Xuyên xuất hiện từ đây. Chợ Đông Xuyên đổi thành chợ Long Xuyên. Từ đây, Long Xuyên trở thành lỵ sở chính thức hạt Long Xuyên, cũng như tỉnh Long Xuyên hay tỉnh An Giang sau này.
Với vị trí trung tâm hạt lỵ, Long Xuyên được chính quyền Pháp xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho bộ máy cai trị, các công trình giao thông, xây dựng phố chợ… Từ năm 1877, tại hạt lỵ Long Xuyên được chia thành 2 khu vực riêng biệt: khu thương mại ở làng Mỹ Phước, khu hành chính ở làng Bình Đức. Tuy nhiên, khu chợ Mỹ Phước phần lớn là ao vũng, sình lầy, chỉ có xung quanh nhà lồng chợ và cặp theo đường phố chính từ cầu Cái Sơn đến cầu Henry (nay là cầu Hoàng Diệu) là tương đối cao ráo; dưới mé sông là bến chợ, ghe xuồng qua lại buôn bán tấp nập.
Đến năm 1930, chợ Long Xuyên đã theo kịp các thành phố cũ lân cận như: Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho về quy mô xây dựng và hoạt động thương mại (chủ yếu lúa, gạo), giữ vai trò chợ đầu mối cho khu vực Tứ giác Long Xuyên - Rạch Giá - Hà Tiên - Châu Đốc. Chính sự phát triển nhanh đó, ngày 31-1-1935, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định cải biến trung tâm tỉnh lỵ Long Xuyên thành thị xã hỗn hợp Long Xuyên (có tài liệu gọi là thành phố cấp 3 Long Xuyên).
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Long Xuyên bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chính quyền, phát triển sản xuất, tổ chức lại cuộc sống; tập trung xây dựng kiến thiết đô thị, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và xây dựng phát triển. Hiện nay, TP. Long Xuyên có 11 phường, 2 xã, với dân số 382.140 người.