Xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) hiện có hơn 900 ha cây ăn trái có múi; trong đó, cây quýt chiếm 40%. Quýt Thanh Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị ngọt đậm đà, trái to, da xanh bóng bắt mắt. ưa chuộng bởi vị ngọt đậm đà, trái to, da xanh bóng bắt mắt.
Thế nhưng, hàng chục năm nay, những người trồng quýt nơi đây vẫn phải bán “non”, bán rẻ cho thương lái địa phương. Do đó, tìm được đầu ra ổn định đang là mong muốn của hàng trăm hộ trồng quýt ở Thanh Sơn.
Những mùa quýt ngọt...
Quýt là cây ăn trái có múi nổi tiếng ở xã Thanh Sơn. Từ vài chục năm trước, cây quýt đã có mặt ở vùng đất sỏi đá này và ngày càng được trồng phổ biến. Có thời điểm, toàn xã phát triển được hơn 1 ngàn hécta và quýt trở thành cây trồng chủ lực, đem lại cuộc sống ấm no, đủ đầy cho nhiều hộ nông dân ở xã Thanh Sơn.
Thế nhưng, vì nhiều yếu tố khách quan và do thực hiện luân chuyển cây trồng để cải tạo đất, hiện toàn xã Thanh Sơn chỉ còn hơn 320 ha cây quýt, khoảng 250 ha đang cho thu hoạch. Với năng suất trung bình 30-35 tấn/ha, giá bán bình quân 15-20 ngàn đồng/kg, với mỗi ha quýt, người trồng thu về từ 500-700 triệu đồng.
Là thành viên của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ấp 7, gia đình ông Võ Văn Tâm có hơn 3 ha quýt đang cho thu hoạch. Năm nay, nhờ áp dụng quy trình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng vườn quýt của gia đình ông Tâm được cải thiện đáng kể. Ông Tâm cho biết, trồng theo quy trình VietGAP, quýt cho thu hoạch quanh năm, vụ nghịch mùa (tháng 2-8 dương lịch), quýt có giá cao gấp đôi, do đó, năng suất không tăng nhiều nhưng lợi nhuận tăng đáng kể; cây trồng sinh trưởng khỏe, lá xanh mướt, ít sâu bệnh; quả to đều, mẫu mã cũng đẹp hơn.
"Năm 2018, tôi thu được gần 100 tấn quýt. Với giá bán bình quân 20 ngàn đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận thu được gần 1 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Sắp tới, tôi chuyển sang trồng quýt theo quy trình VietGAP cho toàn bộ diện tích để kéo dài tuổi thọ cho cây" - ông Tâm chia sẻ.
Gia đình anh Nguyễn Sơn Long (ấp 7, xã Thanh Sơn) có gần 20 hécta cam sành và quýt đường bắt đầu cho thu hoạch. Mùa quýt năm 2019, anh Long nhẩm tính lợi nhuận ước đạt 2 tỷ đồng.
"Tôi đầu tư cho vườn quýt này khá lớn. Nguyên hệ thống tưới nước và xịt thuốc tự động đã lên đến gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra còn chi phí phân bón hữu cơ, chi phí cho 20 công nhân làm việc thường xuyên... Tuy nhiên, nhìn cây quýt sinh trưởng và phát triển tốt, trái to đều, mọng nước, thương lái vào tận vườn đặt hàng từ lúc khi trái non, tôi cũng thấy hài lòng" - anh Long cho hay.
Có thể nói, cây quýt đã làm thay đổi đời sống của nhiều hộ gia đình ở xã Thanh Sơn. Cũng từ khi có cây quýt, trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú, tỷ phú nông nghiệp.
Ông Đỗ Thành Trung, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn cho biết, cây quýt đến với vùng đất Thanh Sơn từ những năm 1990, phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây và thực sự là quả "ngọt" trên vùng đất này. So với các loại cây trồng khác, quýt có giá trị kinh tế vượt trội, đặc biệt phù hợp với chất đất đá sỏi ở xã Thanh Sơn. Bình quân một hécta, trúng vụ, nông dân thu lợi vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Có 3 giống quýt được trồng chủ yếu ở Thanh Sơn là: quýt đường, quýt hồng và quýt tiều; trong đó, khoảng 90% nhà vườn trồng quýt đường. Quýt đường có đặc tính sinh trưởng mạnh, quả tròn to, vỏ mỏng và láng bóng, khi chín quýt có màu xanh pha vàng, vị ngọt đậm. Quýt Thanh Sơn hiện đang được các lái buôn đưa đi tiêu thụ nhiều nơi trong tỉnh, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Nhưng giá thấp, không ổn định
Quýt là loại cây trồng lâu năm và phổ biến ở xã Thanh Sơn. Chất lượng quýt trồng tại Thanh Sơn được đánh giá là vượt trội hơn so với quýt ở các vùng, miền cả về mẫu mã lẫn chất lượng.
Thế nhưng hàng chục năm nay, người trồng quýt vẫn chưa có đầu ra ổn định. Phần lớn nông dân bán non cả vườn cho thương lái. Năm 2017, 2 hợp tác xã quýt là Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp ấp 7 và Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ ấp 8 được thành lập với kỳ vọng sẽ hỗ trợ nông dân tìm đầu ra ổn định cho trái quýt, nâng cao chất lượng trái và xây dựng thương hiệu cho quýt Thanh Sơn. Nhưng đến nay, các hợp tác xã này mới dừng lại ở việc trao đổi kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật kết hợp bán thuốc trừ sâu, phân bón cho xã viên.
Trên thực tế, quýt Thanh Sơn hiện được bán tương đối thuận lợi, thương lái vào tận vườn thu mua. Tuy nhiên, giá thấp và không ổn định, lượng quýt dạt phải bán rẻ quá nhiều. Để giải quyết “điểm nghẽn” này, xã Thanh Sơn đã hướng dẫn hợp tác xã kết nối với thương lái ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây để tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Phạm Thị Hương, cách này cũng khó vì thương lái chợ đầu mối mua giá thấp hơn giá bán tại vườn cho thương lái địa phương. Ngoài ra, thương lái chợ đầu mối yêu cầu nông dân phải vận chuyển đến chợ, số lượng thu mua mỗi ngày cũng hạn chế theo lượng tiêu thụ chứ nông dân không được bán đồng loạt như bán cho thương lái địa phương.
Tìm hướng đi lâu dài cho đặc sản
Ông Lê Quốc Việt, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Nông nghiệp ấp 7 cho biết, gia đình ông có 20 ha quýt, trong đó 8 ha đã chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGAP. Sản xuất theo quy trình sạch chi phí tăng gần gấp đôi, chăm sóc và thu hoạch cũng công phu hơn nhiều. Tuy nhiên xét về lâu dài, tuổi thọ của cây sẽ bền hơn, năng suất cao hơn nên ông Việt mạnh dạn đầu tư. Điều mà ông Việt và nhiều xã viên băn khoăn là đã chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGap nhưng giá cả, đầu ra vẫn không thay đổi.
"Quýt Thanh Sơn ở chợ huyện đang bán với giá 30 ngàn đồng/kg, thị trường TP.Biên Hòa giá 35 ngàn đồng/kg, nhưng chúng tôi bán tại vườn loại 1 chỉ được 14 ngàn đồng/kg, quýt “dạt” giá 4 ngàn đồng/kg. Giá quá thấp, lại trồi sụt liên tục. Quýt VietGAP cũng như không phải VietGAP. Chúng tôi mong chính quyền các cấp, hợp tác xã can thiệp vào đầu ra để nông dân yên tâm đầu tư, tránh tình trạng bán non, lợi nhuận dồn vào tay thương lái" - ông Việt bày tỏ.
Nói về tương lai đầu ra cho trái quýt đường, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất quýt đường tại huyện Định Quán do Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ triển khai cách đây 2 năm được nhiều nông dân quan tâm. Đã có 5 hộ với diện tích 5 ha trên địa bàn xã chuyển đổi từ quy trình chăm sóc truyền thống sang quy trình chăm sóc VietGAP và cho kết quả tốt. Năng suất tăng, trái ra quanh năm, bệnh vàng lá gân xanh trên quýt giảm đáng kể. Hiện tại, nhiều nông dân không thuộc dự án cũng đang chuyển sang mô hình này. Nhưng giá cả và đầu ra đang là vấn đề lớn.
Ông Đỗ Thành Trung, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn chia sẻ: “Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu cho Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp ấp 7 rồi nhân rộng ra các ấp, phối hợp với ngành nông nghiệp huyện xây dựng nhãn hàng hóa cho quýt Thanh Sơn, vận động nông dân chuyển sang mô hình sản xuất sạch... Hy vọng, sắp tới trái quýt Thanh Sơn sẽ có một chỗ đứng vững trên thị trường”.