Bàng La (Đồ Sơn, Hải Phòng) là một phường giáp biển. Những năm gần đây, do phù sa sông Văn Úc bồi lắng, nghề làm muối gặp khó khăn, nhiều hộ bèn trồng táo, ghép mắt táo lai lên gốc táo dại. Những vườn táo ở đây quả sai, ăn đã thích, vào vườn ngắm còn thích hơn.
“Hô biến” táo dại thành cây đặc sản
Người dân nơi đây đã từng thí điểm trồng nhiều thứ cây như cam, bưởi, vải, nhãn…nhưng đều thất bại do đất chua và mặn, mất công chăm sóc nhưng cây vẫn còi cọc, không có quả hoặc có quả nhưng chất lượng kém. Tuy nhiên, người dân phát hiện có một giống táo mọc dại ở khắp vùng, phát triển xanh tốt, quả bé xíu ăn chua "kinh người" và kèm vị chát nên vẫn gọi là táo dại.
Tận dụng sức mạnh của cây táo này, người dân đã nghĩ ra việc ghép mắt của táo lai - một loại táo quả to trên gốc táo dại. Không ngờ, chúng lại sinh trưởng và phát triên rất tốt, cho năng suất, chất lượng cao, quả to, giòn, ngọt rất đặc trưng không ở đâu có.
Lúc đầu, cũng chưa có nhiều người biết đến, táo chỉ được mang bán tại các chợ lân cận nên không được giá, người trồng táo cũng rất khó khăn bởi đầu ra. Nhưng dần dần, thứ quả ngọt, ăn giòn tan này đã nhanh chóng chiếm lĩnh được sự yêu chuộng của thị trường và đã vươn xa đến nhiều miền đất nước.
Bà Bùi Thị Phương Anh, người dân sống ở tổ dân phố Biên Hòa phấn khởi chia sẻ: “Trời đất không phụ lòng người, táo trồng trên vùng đất muối cứ ngày ngày phát triển khỏe mạnh, tươi tốt, cho ra thứ quả ngọt khác hẳn với các loại táo ở nơi khác. Có lẽ, vị mặn mòi của chất đất cùng gió biển đậm đà đã tạo nên sự khác biệt cho thứ quà quê hiếm có này...".
Khoảng 20 năm trở lại đây, người dân phường Bàng La đẩy mạnh trồng táo, cà chua và chăn nuôi…, nhà bà Phương Anh cũng trồng tới gần 100 gốc táo, năm nào được giá là gia đình cũng thu được một khoản lớn từ cây trồng này.
Ông Nguyễn Khắc Tùng, Bí thư Chi bộ HTX Nông nghiệp Thủy sản Bàng La chia sẻ: Phường Bàng La hiện có 50% hộ dân trồng táo với diện tích canh tác khoảng 120 ha, mỗi năm cho ra thị trường khoảng 3.000 tấn táo, thu về từ 50-60 tỷ đồng.
Táo Bàng La đã được UBND TP. Hải Phòng công nhận chỉ dẫn địa lý, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể.
"Phường Bàng La đang thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc táo và áp dụng quy trình trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP. “Đây là sản phẩm đặc trưng của địa phương, một loại quả mà các địa phương lân cận không có. HTX đã gửi hồ sơ tham tham gia chương trình mỗi xã, phường 1 sản phẩm (OCOP) ”- ông Tùng khẳng định.
Cho táo leo giàn, quả sãi trĩu trịt
Xác định cây táo sẽ là mũi nhọn kinh tế chính của phường, nhiều năm qua, ông Bùi Duy Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Bàng La đã tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật trồng táo mới để cùng người dân xây dựng, phát triển thương hiệu táo Bàng La đến gần với người tiêu dùng hơn. Đây cũng là cách nâng cao giá trị sản phẩm, tìm hướng đi mới, bền vững cho sản xuất nông nghiệp.
Táo Bàng La cho quả to, sai, muốn cây táo không bị sệ cành và dễ thu hoạch, ông Bùi Duy Dũng đã đến nhiều địa phương phía Nam để học tập mô hình trồng táo leo giàn. Theo ông Dũng, với mô hình trồng táo leo giàn, cây táo chỉ cần 1 thân. Trồng khoảng cách từ cây táo này sang cây táo kia cách nhau 5m.
Ông Dũng phân tích: Làm hệ thống giàn bằng dây thép cao khoảng 2m. Toàn bộ cành táo khi lớn sẽ leo ở phía trên giàn. Với cách này, cây táo sẽ có khả năng chống chịu với mưa bão và sâu bệnh tốt hơn so với cách trồng truyền thống. Ngoài ra, vườn táo leo giàn rất thoáng, hiện đại, thuận lợi cho việc chăm sóc, quả táo hứng được ánh nắng mặt trời nên chất lượng quả cũng ngon hơn. Đặc biệt, trồng táo leo giàn hút khách thăm quan, du lịch, ngắm vườn, trãi nghiệm hái quả.
Nhà ông Dũng đã thí điểm trồng 40 cây cây táo leo giàn tại vườn nhà, và bước đầu cho hiệu quả. Tới đây, ông sẽ nhân rộng và phổ biến để bà con áp dụng, cho táo leo giàn theo hàng theo lối còn tạo cảnh quan tươi đẹp cho du khách đến tham quan. Điều này rất hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại và hợp với mảnh đất du lịch Đồ Sơn.
Mô hình táo leo giàn sẽ cho thu hoạch 2 vụ (vụ hè, vụ đông), khác hẳn với cách trồng truyền thống 1 năm chỉ cho 1 vụ vào dịp cuối năm. Giàn táo sau khi thu hoạch chỉ cần tỉa những cành nhỏ, cứ thế táo sẽ nảy chồi trên giàn, rất thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch.
Ông Cao Văn Bé - Chủ tịch UBND phường Bàng La cho biết: Với đặc trưng là 1 đơn vị hành chính của quận Đồ Sơn - mảnh đất du lịch nổi tiếng, việc xây dựng thương hiệu táo sạch, an toàn để cung cấp cho thị trường gắn với phát triển du lịch sinh thái là hướng đi hợp lý của địa phương.
Cũng theo ông Bé, táo Bàng La đang được thị trường rất ưa chuộng, giá trung bình trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg, cao nhất khoảng 50.000 đồng/kg. Vào thời điểm giáp tết thường “cháy hàng”, không đủ táo bán. Cây táo thực sự đã trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội của Bàng La.